Sau 10 ngày xét xử và nghị án, chiều 20-7, TAND Tp. Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng xảy ra ở Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Đông Đô (Hà Nội).
Các bị cáo tại phiên tòa
Hội đồng xét xử cho rằng đây là vụ án có tính chất phức tạp, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát một số lượng tiền hàng trăm tỉ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội về hoạt động của ngành ngân hàng.
Trong vụ án này, bị cáo chủ mưu là Trần Lê Thủy (cán bộ Ngân hàng BIDV Đông Đô) cùng với 10 đồng phạm có hành vi phạm tội gồm: Trần Chí Dân, Trần Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu, Ngô Thị Thanh Huyền, Thái Thị Yên, Vũ Khắc Thành, Hoàng Bích Liên, Hoàng Trung Thông, Phạm Thị Hồng Thái, Nguyễn Minh Hằng bị Viện kiểm sát truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Lệ Thủy nguyên là cán bộ ngân hàng BIDV Thái Bình, sau đó chuyển công tác lên ngân hàng BIDV Đông Đô (Hà Nội).
Thủy đã cùng hai em là Trần Chí Dân và Trần Thị Huyền dùng thủ đoạn gửi một số lượng tiền vào ngân hàng, sau đó lấy giấy chứng nhận tiền gửi (CNTG) để sửa chữa, tráo đổi nâng khống số tiền dư gửi thật từ 1.400 USD thành 2.540.428 USD. Trên cơ sở đó, Trần Thị Huyền đã ký 115 khế ước vay tiền của BIDV Thái Bình với số tiền hơn 258 tỉ đồng. Sau khi đã thanh toán còn 5 khế ước với tổng số tiền còn chiếm đoạt hơn 29,4 tỉ đồng chưa kịp tất toán, thì hành vi của các đối tượng bị phát giác. Với hành vi đó, các bị cáo này đã bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.
Cũng với thủ đoạn sửa chữa, làm giả 23 giấy CNTG và xác nhận 8 giấy xác minh kiêm phong tỏa giấy tờ có giá, các bị cáo Trần Lệ Thủy, Trần Chí Dân, Trần Thị Huyền, Ngô Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu và Thái Thị Yên đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 174 tỉ đồng của Ngân hàng BIDV Đông Đô.
Với vai trò chủ mưu, bị cáo Trần Lệ Thủy đã bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp mức hình phạt là tử hình. Sau khi nghị án, HĐXX đã nhận định việc truy tố các bị cáo Thủy, Dân, Huyền về tội danh “Tham ô tài sản” là không đủ cơ sở. HĐXX cho rằng, với số tiền hơn 29,4 tỉ đồng chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV Thái Bình, thời điểm đó bị cáo Thủy không còn công tác ở ngân hàng này nữa (tội tham ô liên quan đến đối tượng quản lý tài sản tại đơn vị mình công tác). Còn số tiền vay từ trước đã được tất toán xong. Với việc giả mạo giấy tờ có giá để vay và chiếm đoạt tiền ngân hàng trong trường hợp này cần chuyển sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ cơ sở đó, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Trần Lệ Thủy lĩnh án tù chung thân, Trần Chí Dân lĩnh án tù chung thân, Trần Thị Huyền lĩnh 20 năm tù, Ngô Thị Thanh Huyền 12 năm tù, Nguyễn Thị Thu (nguyên cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), chi nhánh Thành Công) lĩnh 18 năm tù, Thái Thị Yên 36 tháng tù cho hưởng án treo về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Vũ Khắc Thành (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Đông Đô) trước đó bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Nhưng sau khi xem xét, HĐXX đã chuyển tội danh với bị cáo này sang “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tuyên phạt Thành lĩnh án 3 năm tù.
Bị cáo Hoàng Trung Thông (nguyên Phó Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Ngân hàng BIDV Đông Đô) bị phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo, Hoàng Bích Liên (nguyên cán bộ Ngân hàng BIDV Đông Đô) bị phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo về cùng tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Phạm Thị Hồng Thái (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Đông Đô) bị phạt 3 năm, Nguyễn Minh Hằng (nguyên Phó Trưởng phòng Giao dịch 1 Ngân hàng VCB Thành Công) bị phạt 36 tháng tù treo về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Minh Quang