Italia chính thức cấm cha mẹ đưa trẻ dưới 6 tuổi chưa được tiêm phòng tới trường khi luật tiêm chủng bắt buộc Lorenzin có hiệu lực.
Kể từ tuần này, trẻ em dưới 6 tuổi ở Italia sẽ không được đến trường, nếu chưa tiêm vắc-xin phòng một số bệnh cơ bản bao gồm thủy đậu, bại liệt, sởi, quai bị và rubella.
Trẻ em trong độ tuổi từ 6-16 tuổi vẫn được đến trường, nhưng các bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với án phạt tiền lên tới 500 Euro (tương đương 13 triệu VNĐ) nếu không tiêm chủng đầy đủ cho con.
Tại thành phố Bologna, khoảng 300 trẻ đã phải nhận giấy đình chỉ học trong ngày thứ hai vừa rồi. Động thái cứng rắn này được đưa ra một phần do dịch sởi đang hoành hành ở Italia.
Quy định này được áp dụng sau khi luật tiêm chủng bắt buộc Lorenzin - đặt theo tên cựu Bộ trưởng y tế Italia - chính thức có hiệu lực. Trước đó, các bậc phụ huynh đã được khuyến cáo phải tiêm chủng đầy đủ cho con mình trước ngày 10/3.
"No vaccine, no school” là lời tuyên bố rắn chắc của Bộ trưởng Y tế Ý Giulia Grillo được đăng trên tờ La Repubblica.
WHO khuyến cáo 95% trẻ được tiêm chủng là ngưỡng miễn dịch cộng đồng phát huy tác dụng
Theo báo cáo, kể từ khi luật Lorenzin được đưa ra thảo luận cho tới thời điểm chính thức áp dụng, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đã được cải thiện. Mục tiêu là nâng tỷ lệ tiêm chủng từ dưới 80% lên 95%, bằng mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Số liệu cho thấy gần 95% trẻ em sinh năm 2015 đã được tiêm chủng một số loại vắc-xin nhất định.
Ngưỡng 95% là điểm mà miễn dịch cộng đồng phát huy tác dụng. Khi có đủ một tỷ lệ dân số được tiêm vắc-xin, mầm bệnh sẽ không thể lây lan thành dịch và ngay cả những người không thể tiêm vắc-xin cũng được bảo vệ. Đó là những đứa trẻ cá biệt vì quá bé hoặc có hệ miễn dịch quá yếu hay dị ứng với vắc-xin nên không thể tiêm chủng. Chúng cần được bảo vệ bởi miễn dịch cộng đồng, và muốn có miễn dịch cộng đồng thì ít nhất 95% số trẻ khỏe mạnh khác phải được tiêm chủng.
Tháng trước, một đứa trẻ 8 tuổi đang hồi phục sau điều trị ung thư đã không thể đến trường học ở Ý do các bác sĩ đánh giá có quá nhiều trẻ trong ngôi trường này chưa được tiêm phòng các bệnh cơ bản. Hệ miễn dịch bản thân yếu mà không có sự hỗ trợ của miễn dịch cộng đồng sẽ khiến cậu bé có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Ý Grillo hôm thứ hai cho biết: Một số thiếu sót của bộ luật Lorenzin ban đầu khiến nó bị chỉ trích hiện đã được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế, bao gồm thu hẹp phạm vi các vắc-xin tiêm chủng bắt buộc. Những điều chỉnh này đều dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học.
Biểu tình phản đối luật bắt buộc tiêm chủng của Bộ trưởng Bộ Y tế Beatrice Lorenzin năm 2107
Những năm gần đây, nhiều bậc phụ huynh không cho con đi tiêm phòng sởi sau khi phong trào chống vắc-xin ở Ý và Châu Âu nổi lên, bắt nguồn từ một nghiên cứu gian lận năm 1998 của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng 12 trẻ tự kỷ có liên quan tới vắc-xin MMR (phòng sởi, quai bị và rubella). Ngoài Wakefield, không một nhà khoa học nào đưa ra kết luận đó mà ngược lại họ đã phải dành ra 10 năm để chứng minh những điều Wakefield nói là sai. Trong một nghiên cứu mới nhất vừa được công bố tuần trước, các bác sĩ Đan Mạch đã nghiên cứu hơn 600.000 trẻ em nước này và không tìm ra mối liên hệ giữa việc tiêm vắc-xin và bệnh tự kỷ.
Nghiên cứu của Wakefield đã bị gỡ khỏi tạp chí y khoa. Wakefield đã bị tước giấy phép hành nghề ở Anh do bị tố cáo rằng đã cố tình giả mạo kết quả để dìm hàng vắc-xin MMR, nhằm mục đích đưa một loại vắc-xin sởi mới ra thị trường.
Chính sách tiêm chủng và những quy định cứng rắn trong năm 2018 đã giúp giảm số ca mắc sởi ở quốc gia này xuống còn 2.517 ca, nhưng vẫn là nước thứ 5 tại Châu Âu về số ca mắc sởi.