Iran đã thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo tầm xa thế hệ mới, hãng truyền thông IRNA đưa tin ngày 11/10.
Chuẩn tướng Hossein Dehqan, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, cho biết, tên lửa Emad được các chuyên gia trong nước thiết kế và chế tạo. Đây là tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên do Iran sản xuất có thể được dẫn đường và điều khiển từ một trung tâm chỉ huy mặt đất trong suốt hành trình bay tới mục tiêu.
Theo ông Dehqan, tên lửa Emad có khả năng tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao và phá hủy chúng hoàn toàn. Đồng thời, ông tuyên bố: “Đối với các chương trình phòng vệ, chúng tôi không phải xin phép bất kỳ ai”, IRNA cho biết.
Trong một bài viết vào tháng 10 năm ngoái, Anthony Cordesman - chuyên gia an ninh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington - cho biết, Emad là một biến thể của tên lửa đạn đạo tầm xa Shahab-3 hiện nay.
Emad sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, có thể hoạt động trong phạm vi 1.700 km, với độ chính xác lên tới 500 m và mang tải trọng 750 kg. Dự kiến Emad được triển khai tới các đơn vị tên lửa của quân đội Iran sau năm 2016, Anthony Cordesman viết.
Tháng 02/2015, Tehran thông báo đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa đất đối đất và không đối đất dẫn đường bằng tia laser, một tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang nhiều đầu đạn. Vào thời điểm đó, Đô đốc John Kirby - phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đã mô tả chương trình tên lửa này là “một mối đe dọa nguy hiểm cho khu vực”.
Ông nhấn mạnh rằng, theo Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Iran không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân, kể cả những vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Khamenei luôn khẳng định rằng Iran không chế tạo bom và rằng, vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm theo Đạo Hồi.
Tháng 7 vừa qua, tại Vienna, Iran, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Nga đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran. Theo đó, Tehran chấp nhận cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, từ khoảng 19.000 xuống còn 6.104 máy. Thỏa thuận cấm làm giàu uranium tại các cơ sở trọng điểm, hạn chế nghiên cứu và phát triển uranium đối với cơ sở Natanz.