Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã ra thông báo truy nã hai người Nga và một người Bồ Đào Nha liên quan đến vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut hồi tháng 8/2020.
Hãng Thông tấn quốc gia Liban (NNA) ngày 12/1 đưa tin, những đối tượng kể trên được cho là có liên quan đến việc vận chuyển các vật liệu gây nổ đến cảng Beirut của Liban và lưu kho tại cảng này trong 6 năm cho tới khi xảy ra các vụ nổ hồi năm ngoái, khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, và gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở Beirut.
NNA cho biết, lệnh truy nã đỏ (Red Notice) của Interpol nhằm vào chủ sở hữu và thuyền trưởng của tàu Rhosus, con tàu vận chuyển 2.750 tấn amoni nitrat tới Liban hồi năm 2013, cũng như doanh nhân buôn nitrat người Bồ Đào Nha đã đến nhà kho của cảng Beirut vào năm 2014, nơi số vật liệu nổ này được cất giữ.
NNA cũng lưu ý, lệnh truy nã đỏ của Interpol là một yêu cầu truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm và thường được ban hành trên mạng của Interpol. Thông báo truy nã này là một yêu cầu không ràng buộc đối với các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới nhằm tìm kiếm và tạm giữ các đối tượng nói trên. Đây không phải là lệnh bắt giam và không yêu cầu cơ quan chức năng bắt giam nghi phạm truy nã.
Công tố viên nhà nước Liban, ông Ghassan Khoury, đã đề nghị Interpol ra lệnh truy nã trên. Hiện danh tính các đối tượng chưa được tiết lộ, song truyền thông địa phương đăng thông báo xác định những người này gồm cựu thuyền trưởng của con tàu - Boris Prokoshev; Igor Grechushkin - một doanh nhân Nga cư trú tại Síp đã mua con tàu chở hàng vào năm 2012; và người còn lại được xác đinh là Jorge Manuel Mirra Neto Moreira - người Bồ Đào Nha.
Vụ nổ xảy ra ngày 4/8/2020 đã tàn phá cảng Beirut và một khu vực lớn ở trung tâm thủ đô Liban. Vụ nổ khiến hơn 200 người thiệt mạng và ít nhất 6.500 người bị thương, là một trong những vụ nổ không liên quan tới hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Các nhà chức trách xác định thảm họa xuất phát từ kho lưu trữ 2.750 tấn amonium nitrate tồn tại từ lâu ở cảng Beirut và trong tình trạng bảo quản rất kém.
Theo kết quả điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), 500 tấn phân bón ammonium nitrate là nguyên nhân gây ra thảm họa kinh hoàng này. Trong khi đó, một báo cáo của cơ quan tình báo nội địa Mỹ giúp Liban điều tra vụ việc cho thấy không đến 25% số phân bón này phát nổ. Một câu hỏi lớn được đặt ra về 2.200 tấn còn lại.
Cuộc điều tra trên cũng đã dẫn tới việc bắt giữ ít nhất 25 người, trong đó có người phụ trách cảng và phụ trách hải quan.