Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) cho biết, Indonesia tiếp tục kiểm tra trinh tiết các nữ tân binh, điều này đã được áp dụng từ lâu trên quốc gia này như một hình thức kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, HRW chỉ trích mạnh mẽ quy định này.
Theo CNN, trên trang web chính thức của lực lượng cảnh sát Indonesia cho biết, những cô gái độ tuổi từ 17,5 đến 22 ở Indonesia muốn trở thành cảnh sát thì phải tuyệt đối giữ gìn trinh tiết. Bên cạnh đó, các nữ tân binh sẽ phải trải qua những cuộc kiểm tra về sức khỏe, thể chất nghiêm ngặt.
Trả lời phỏng vấn phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Indonesia, Roni Sompie cho biết, việc kiểm tra y tế này nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất là để kiểm tra sức khỏe thể chất các ứng viên nhằm đảm bảo sức khỏe phục vụ trong lực lượng cảnh sát. Thứ hai là đảm bảo các ứng viên không bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Không những chỉ nữ tân binh phải kiểm tra sức khỏe toàn diện mà các nam tân binh cũng phải trải qua thử nghiệm này.
Nữ cảnh sát Indonesia đứng bảo vệ trong một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Jakarta vào 29 tháng 3 năm 2012
Tuy nhiên, theo HRW, thủ tục kiểm tra y tế toàn diện trong đó có kiểm tra trinh tiết đã có từ lâu trong quy định tuyển tân binh. Những phụ nữ có gia đình đương nhiên không đủ điều kiện tham gia vào lực lượng cảnh sát quốc gia.
HRW đã phỏng vấn các nữ tân binh từng đăng tuyển vào lực lượng cảnh sát hồi năm 2013, một ứng viên cho biết, cô thực sự sốc. Cô cho rằng, việc kiểm tra trinh tiết được tiến hành rất khác so với những gì cô hình dung. Cô phải cởi bỏ hết quần áo trước mặt khoảng 20 ứng viên khác, sau đó việc kiểm tra diễn ra trong một phòng riêng không có cửa, cùng lúc với một ứng viên khác.
Một ứng viên khác 19 tuổi từng trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết tại thành phố Pekanbaru trên đảo Sumatra, miền Tây Indonesia nói: “Tôi không muốn nhớ về những trải nghiệm đó nữa. Thật xấu hổ. Tại sao chúng tôi phải cởi đồ trước những người xa lạ chứ? Nó thật không cần thiết và tôi nghĩ nên dừng lại việc này”.
Một ứng viên khác bức xúc nói “Phải bước vào phòng kiểm tra trinh tiết thật đáng sợ. Tôi cảm thấy như sau khi bị kiểm tra, tôi không còn trinh tiết nữa. Bạn tôi thậm chí đã ngất lịm vì… quá đau”.
Theo các tài liệu mà HRW có được thì thủ tục này là “chủ quan” và “không khoa học”.
Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) hôm 17/11 đã đưa ra một phản ứng gay gắt với quy định tuyển quân trên của Indonesia. HRW lên án việc “kiểm tra trinh tiết” là thủ tục mang tính “kỳ thị và xúc phạm nhân phẩm” nặng nề.
Bà Nisha Varia, giám đốc bảo vệ quyền phụ nữ của HRW còn lên án thẳng thắn quy định này là “phân biệt đối xử, gây hại và làm nhục phụ nữ” và “đây không phải là điều kiện đủ để một phụ nữ có thể làm cảnh sát”.