Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hay những học sinh, sinh viên tưởng chừng phải dừng lại ước mơ đến trường nhưng nhờ các gói vay của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM, một cuộc đời mới lại mở ra với biết bao niềm tin, hy vọng.
Động lực thoát nghèo
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM, nhiều thời điểm, Nguyễn Ngọc Thông, sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Kỹ thuật Cao Thắng cùng 3 người em phải đứng trước nguy cơ nghỉ học.
Với công việc buôn bán nhỏ, bấp bênh, chị Trần Thị Thu Nhi (mẹ Thông) bất lực vì không đủ khả năng trang trải chi phí cho các con đến trường.
May mắn được Tổ Tiết kiệm và vay vốn NHCSXH tư vấn, gia đình chị đã tiếp cận chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với gói vay 40 triệu đồng.
“Thông, con trai tôi rất ham học nhưng nhà nghèo, thương con nhưng không biết phải làm sao, nhờ gói vay 40 triệu đồng của NHCSXH, tia hy vọng trong gia đình tôi như được thắp lên, giờ đây các con tôi có điều kiện đến trường để viết tiếp ước mơ còn dang dở, vợ chồng tôi yên tâm để buôn bán, ổn định cuộc sống”, chị Nhi xúc động chia sẻ.
Hay trường hợp chị Phạm Thị Thanh Tuyền, ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức. Do kinh tế gia đình khó khăn, nguồn thu nhập không đủ lo cuộc sống.
Từ khi biết gói vốn Giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình chị đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng đầu tư vào dàn máy dệt dây giày, mua nguyên liệu.
Với sự nỗ lực, theo thời gian, sản phẩm của xưởng gia công nhỏ được tiêu thụ và trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình. Kể từ đây, một phần gánh nặng được giảm bớt, chị an tâm vì các con có điều kiện ăn học đầy đủ hơn trước.
“Gia đình tôi rất biết ơn NHCSXH, gói vay đã giúp cả nhà thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tôi mong rằng sẽ có nhiều gia đình được tiếp cận gói vay ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo ra nhiều giá trị có ích cho xã hội”, chị Tuyền nói.
Hay trường hợp ông Nguyễn Văn Sanh, ngụ phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Trước đây, ông làm bảo vệ dân phố, vợ làm gia công hàng đan lát. Dù sống chắt chiu nhưng số tiền kiếm ra không đủ nuôi cả gia đình.
Sau khi tìm hiểu thông tin, ông quyết định thực hiện thêm một chu kỳ vay vốn chương trình Hỗ trợ giảm nghèo với số tiền 100 triệu để mở tiệm sửa xe tại nhà.
Nhờ biết cách tận dụng nguồn vốn vay, tiệm sửa xe nhỏ đã tạo ra thu nhập, giúp gia đình ông vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Nếu không có nguồn vốn này chắc nhà tôi làm công cả đời cũng không khá lên nổi vì số tiền kiếm ra đôi lúc không đủ trang trải. Từ khi có tiệm sửa xe, cuộc sống dù không giàu có nhưng cái ăn cái mặc đầy đủ rồi còn tiết kiệm được khoản chi phí nữa”, ông Sanh nói.
Những giải pháp đột phá
Những năm qua, công tác xoá đói, giảm nghèo luôn được chi nhánh NHCSXH TP.HCM đặt lên hàng đầu và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo đó, chi nhánh NHCSXH TP.HCM đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Một là, tham mưu Thành ủy, UBND và Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22/11/2014, Kết luận 06/KL-TW ngày 10/6/2021 và Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trong giai đoạn mới trên địa bàn; bám sát Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Cạnh đó, tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho TDCSXH, quan tâm bổ sung tăng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm sang NHCSXH để đầu tư cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác huy động vốn trong dân cư, tranh thủ tối đa nguồn vốn cân đối từ trung ương nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TDCSXH, thông qua việc chú trọng công tác tuyển dụng nhân sự, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ NHCSXH và các cán bộ kiêm nhiệm, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả TDCSXH.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát các khoản nợ vay và trong hoạt động giao dịch xã tại UBND các xã, phường, thị trấn.
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý hiệu quả nguồn vốn TDCSXH.
Tuyên truyền phổ biến các chương trình TDCSXH đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giai đoạn 2022 - 2025, TP.HCM là một trong những địa phương không còn hộ nghèo. Đây được xem là dấu mốc đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).