Hy hữu, người bệnh ung thư thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch

Chí Tâm| 13/01/2023 17:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người đàn ông bị ung thư biểu mô tế bào thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch chủ bụng đang tiến đến gần tim, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Ông P.D.A. (62 tuổi, Lâm Đồng) nhập viện Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) trong bệnh cảnh đau tức vùng hông phải, tiểu nhiều máu cục. Tại đây, các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối bướu thận phải, kích thước lên đến 10cm x 10cm x 8cm (bằng một nắm tay người lớn).

BSCK II Nguyễn Ngọc Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, kết quả sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả ông A. bị ung thư biểu mô tế bào thận. Bướu đã xâm lấn tĩnh mạch thận phải, xâm lấn màng bụng và bể thận gây thận ứ nước. Nguy hiểm nhất, chồi bướu đã đi vào tĩnh mạch chủ dưới, lan cao lên đoạn trên gan, nguy cơ đến tim gây tử vong.

Hy hữu, người bệnh ung thư thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch

Các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Ông A. cho biết, ông đã có dấu hiệu đau vùng hông lưng phải từ 2 năm trước nhưng lại nghĩ do tuổi già. Khoảng 6 tháng trước ngày nhập viện, ông sờ thấy một khối cứng ở vùng hông phải, thường đau tức. Từ đó, ông nhận thấy cân nặng ngày càng giảm, chán ăn và tiểu máu.

Theo BS Nguyễn Ngọc Châu, đối với ung thư thận giai đoạn tiến xa, khả năng điều trị khỏi sau 5 năm rất thấp, thường dưới 10%, do đó, ông A. được chỉ định dùng thuốc để nâng đỡ tổng trạng và liệu pháp nhắm trúng đích. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa cải thiện tình trạng tiểu máu.

Các bác sĩ lên phương án phẫu thuật để đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Châu, đây là trường hợp đầu tiên cắt thận do ung thư đồng thời mở tĩnh mạch chủ và tâm nhĩ phải lấy chồi bướu. Lúc này, bác sĩ phải kẹp tĩnh mạch chủ gần tim, nguy cơ giảm máu về tim, gây suy tuần hoàn và có thể tử vong.

Ngoài ra, nếu không kiểm soát tốt đoạn tĩnh mạch chủ gần tim, nguy cơ chảy máu khối lượng lớn sẽ xảy ra, cũng dẫn đến tử vong.

"Theo các tài liệu y văn, các trường hợp như ông A. có tỷ lệ tử vong trên bàn mổ lên đến hơn 15%. Nhưng nếu không phẫu thuật, người bệnh sẽ phải chịu đau đớn, tiểu máu dai dẳng và tiên lượng sống sẽ chỉ còn tính từng ngày. Đó là lý do chúng nỗ lực tìm giải pháp phẫu thuật để cứu tính mạng người bệnh", BS Châu nhận định.

Sau 6 giờ với sự phối hợp của các chuyên gia gồm Ngoại Niệu, Tim - Mạch máu, Gan Mật Tụy, Gây mê Hồi sức và ê-kíp phẫu thuật tim của Viện tim TP.HCM, ca mổ diễn ra thành công.

Ngày 13/1 bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện về đón Tết cùng gia đình. Bệnh nhân cho biết, hiện ông đã vận động tốt, thực hiện được mọi sinh hoạt cá nhân, cả sức khỏe và tinh thần đều lạc quan.

Ung thư thận khi được phát hiện sớm và điều trị triệt để, tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới hơn 80%. Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt thận bán phần, bảo tồn chức năng phần thận lành còn lại cho người bệnh nếu khối bướu chưa xâm lấn.

"Ung thư thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, do đó mọi người nên tầm soát bệnh định kỳ mỗi năm một lần bằng siêu âm bụng. Khi có những triệu chứng bất thường như đau tức vùng hông lưng, sờ thấy khối gồ lên vùng hông lưng, tiểu máu…, cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", BS Châu khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy hữu, người bệnh ung thư thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch