Nhà bảo vệ biến thành cửa hàng tạp hóa, nhà trường thu tiền vệ sinh trái quy định, các khoản vận động tài trợ giáo dục không đúng theo quy định… là những vấn đề cần được làm rõ ở trường Tiểu học Long Thành.
Theo thông tin phản ánh của nhiều phụ huynh, thời gian qua, nhà bảo vệ của trường Tiểu học Long Thành thuộc xã Long Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) trở thành cửa hàng tạp hóa gây phản cảm và tạo nề nếp xấu cho các em học sinh.
PV đã tìm về trường Tiểu học Long Thành để ghi nhận. Có mặt tại trường vào những ngày tháng 11, PV khẳng định rằng thông tin mà phụ huynh phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.
Lúc PV có mặt cũng vừa lúc tiếng trống vang lên kết thúc một tiết học. Các em học sinh thay vì chuẩn bị bài vở cho môn học tiếp theo, đã chạy ùa ra phía nhà bảo vệ ở đầu cổng trường. Sau một lúc trao đổi với người phụ nữ đang ở phía trong, các em hớn hở chạy ra với bánh kẹo, nước ngọt và nhiều thứ đồ ăn nhanh khác.
Trường Tiểu học Long Thành nơi có nhiều vi phạm khiến phụ huynh bức xúc.
Một phụ huynh (xin được giấu tên) cho biết: “Năm học trước, chúng tôi đã có ý kiến về vấn đề này với nhà trường. Nhà trường cũng đã hứa sẽ giải quyết, tuy nhiên, đến năm học mới này tình trạng bán hàng trong nhà bảo vệ vẫn tiếp tục diễn ra, khiến chúng tôi rất bức xúc”.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, trong năm học 2018-2019, nhà trường tổ chức thu tiền nước uống và tiền vệ sinh trường lớp với mỗi cháu là 100.000 đồng. Với tổng số học sinh của nhà trường là hơn 700 em học sinh, thì số tiền này không phải là nhỏ.
Hơn nữa, ngoài những khoản thu theo quy định và các khoản vận động tài trợ theo nguyên tắc tự nguyện thì tại sao mỗi phụ huynh lại phải đóng với mức 100.000 đồng/học sinh. Liệu đây có phải là tự nguyện theo kiểu “ép buộc” mà nhà trường đặt ra?
Theo thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ở khoản 1 Điều 2. Nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ nêu rõ: Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Nhà bảo vệ biến thành cửa hàng tạp hóa ở trong trường.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 3 và khoản 2 Điều 3 về nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ nêu rõ: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; Vận động tài trợ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục.
Không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, một số khoản vận động tài trợ mà nhà trường có kế hoạch xin ý kiến của địa phương trước khi trình hồ sơ lên phòng GD&ĐT huyện Yên Thành phê duyệt, cũng được địa phương đồng ý chủ trương theo kiểu chiếu lệ.
Kế hoạch vận động tài trợ với những khoản trái quy định.
Cụ thể, theo kế hoạch vận động tài trợ của nhà trường xin ý kiến địa phương, ngoài các khoản phục vụ vào việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ việc dạy và học, thì có những khoản như: Lắp đường nước khu vực 2, trả nợ công trình mương thoát nước, nhà đốt rác, sân bê tông… Điều đáng nói, không hiểu vì sao nhà trường làm tờ trình xin vận động tài trợ với một số khoản hết sức vô lý như vậy mà vẫn được địa phương phê duyệt thông qua?
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hải – Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Thành cho biết: “Năm học mới này nhà trường không thu hai khoản tiền này nữa (tiền nước uống và tiền vệ sinh - PV). Còn các khoản vận động tài trợ có thể nhà trường có nhiều điểm làm chưa đúng theo quy định nên sẽ cố gắng để khắc phục những thiếu sót này”.
Phải chăng với những tên gọi khác nhau như xã hội hóa hay vận động tài trợ nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”, một số trường học vẫn tồn tại tình trạng lạm thu, khi vận động sai mục đích, sử dụng sai mục đích mà không bị xử lý?
Cơ quan chức năng có ý kiến gì về những vấn đề tồn tại ở trường Tiểu học Long Thành? Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.