Ao bỏ hoang hàng chục năm để cây cối mọc um tùm, rác thải ngập ngụa nhưng khi người dân kiến nghị được sử dụng vì trước đây đã từng quản lý và sử dụng thì không được giải quyết thỏa đáng.
Nguyện vọng chính đáng...
Ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1965, ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) vừa có đơn gửi lãnh đạo, các cơ quan tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Lâm, kiến nghị và khiếu nại những nội dung liên quan diện tích ao vườn mà trước đó gia đình ông quản lý, sử dụng.
Theo đơn, cụ Minh (ông nội của ông Duyên) được giao khoảng 300m2 ruộng vườn và 600m2 ao để sử dụng tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh. Sau đó, cụ Minh để lại diện tích ao, ruộng vườn này cho con trai, con dâu là cụ Ngẫm và cụ Nhâm (bố mẹ đẻ của ông Duyên) canh tác. Quá trình sử dụng, cụ Ngẫm và cụ Nhâm có đóng thuế bằng thóc đầy đủ trong nhiều năm.
Khoảng năm 1983, hợp tác xã có trưng dụng, thuê lại diện tích ao trên của cụ Ngẫm, cụ Nhâm để làm ao cá tập thể (ao cá Bác Hồ) và chi phí thuê được trả bằng cá. Khi không trưng dụng nữa, hợp tác xã sẽ trả lại ao cho các hộ dân.
Do thực hiện không hiệu quả nên việc triển khai ao cá tập thể được hơn một năm rồi dừng lại, giải thể. Tuy nhiên, thời điểm đó, hợp tác xã cũng không giao trả lại ao vườn cho cụ Ngẫm và cụ Nhâm, mà bỏ hoang hóa cho đến nay.
Năm 1985, cụ Ngẫm, cụ Nhâm cùng 4 người con (Duyên, Mao, Thân, Xuân) đi vùng kinh tế mới trong miền Nam. Đến năm 1999, cụ Nhâm và vợ chồng ông Duyên về lại thị trấn Như Quỳnh sinh sống.
Do hoàn cảnh khó khăn, không có nhà ở, không có đất để sử dụng, từ năm 2001, cụ Nhâm nhiều lần đề nghị địa phương chấp thuận việc cụ và con trai là ông Duyên tiếp tục sử dụng diện tích ao vườn trên, hoặc cấp cho cụ diện tích đất mới như các hộ dân khác. Tuy nhiên, đề nghị của cụ Nhâm không được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.
Ông Duyên búc xúc chia sẻ: "Hơn 10 năm, cụ Nhâm (mẹ ông Duyên) lẽo đẽo đi kiến nghị các cấp, ngành rồi chờ đợi. Đến ngày 19/1/2016, UBND huyện Văn Lâm mới có Thông báo số 05/TB-UBND trả lời, viện dẫn Luật Đất đai 1993, Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993, Điều 10 Luật Đất đai 2003 và Điều 26 Luật Đất đai 2013 để kết luận “không thừa nhận và không xem xét, giải quyết việc đòi lại đất ao của cụ Nhâm”.
Không đồng ý, cụ Nhâm tiếp tục kiến nghị và khiếu nại lên các cơ quan Trung ương về nội dung giải quyết, kết luận trên của huyện Văn Lâm và thị trấn Như Quỳnh. Các cơ quan Trung ương đã chuyển nội dung đơn của cụ Nhâm, đề nghị tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Lâm giải quyết theo quy định.
Khu đất ao mà cụ Nhâm và ông Duyên kiến nghị đang bị bỏ hoang
UBND huyện cho rằng không có cơ sở để giải quyết
Ngày 9/4/2019, Sở TN&MT Hưng Yên có Thông báo số 350/STNMT-TTr trả lời đơn của cụ Nhâm, nêu: Việc bà Nhâm đề nghị xem xét trả lại cho gia đình bà diện tích đất ao mà năm 1982-1983 Hợp tác xã trưng dụng để đào ao thả cá (ao cá Bác Hồ) là không có căn cứ xem xét giải quyết, vì tại thời điểm đó gia đình bà Nhâm, ông Ngẫm có mặt tại địa phương đã thống nhất giao cho con trai lớn là anh Nghĩ quản lý, sử dụng phần đất được địa phương đền bù là 284m2 ra vị trí khác. Đến năm 2002, anh Nghĩ chuyển nhượng lại thửa đất cho người khác.
Theo ông Duyên, Thông báo số 350 của Sở TN&MT Hưng Yên chỉ dựa theo báo cáo của chính quyền địa phương mà không kiểm tra, xác minh cụ thể, thực tế. Thông báo số 350 cũng cho thấy, việc quản lý đất đai, thực hiện đền bù trái quy định, không đúng đối tượng. Bởi lẽ, diện tích đất ao nêu trên có nguồn gốc của cụ Minh để lại cho cụ Ngẫm và cụ Nhâm, sau đó để lại cho ông Duyên quản lý, sử dụng. Đến nay, toàn bộ diện tích đất ao trên chưa bàn giao lại cho cụ Nhâm và chưa thực hiện thu hồi, bồi thường hay hoán đổi đối với cụ Nhâm và ông Duyên.
Mặt khác, ông Nghĩ không phải là người tham gia quản lý, sử dụng diện tích đất ao nêu trên của cụ Nhâm, ông Duyên. Vì vậy, việc địa phương giao cho ông Nghĩ 284m2 đất, rồi nói là đền bù đối với diện tích đất ao nêu trên của cụ Nhâm, cụ Ngẫm như Thông báo số 350 là không đúng quy định, đền bù không đúng đối tượng. Mặc dù diện tích đất ao trên chưa bàn giao lại cho gia đình, nhưng việc quản lý, sử dụng và quyền lợi liên quan đến diện tích ao này của cụ Nhâm và ông Duyên là không phủ nhận được.
Trao đổi với PV, cụ Nhâm bức xúc nói: “Gia đình tôi có nguyên quán và hộ khẩu tại địa phương. Do hoàn cảnh khó khăn, hiện nay gia đình tôi đang phải ở nhờ vì không có nhà, cũng không có đất để sản xuất. Việc trên, dù đã kiến nghị các cơ quan trong tỉnh nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, song gia đình vẫn chờ đợi, mong muốn một sự quan tâm, giải quyết có lý, có tình và nhân văn...”.
Để tìm hiểu những nội dung liên quan kiến nghị trên, PV liên hệ để làm việc với ông Nguyễn Bật Khánh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm. Qua điện thoại, ông Khánh cho biết: "Huyện cũng đã nhiều lần nhận được đơn của công dân kiến nghị việc nêu trên và đã giao cho thị trấn Như Quỳnh giải quyết theo thẩm quyền. Đề nghị PV liên hệ làm việc với UBND thị trấn Như Quỳnh".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Phong, cán bộ địa chính thị trấn Như Quỳnh xác nhận, từ sau năm 2000, địa phương đã nhiều lần nhận đơn của cụ Nhâm kiến nghị về việc nêu trên.
Theo ông Phong, kiến nghị của cụ Nhâm và ông Duyên về việc sử dụng diện tích đất ao mà hợp tác xã trước đây đã trưng dụng là không có căn cứ giải quyết vì địa phương đã đền bù phần bờ xung quanh ao cho gia đình cụ Ngẫm (chồng cụ Nhâm) bằng việc đổi cho gia đình cụ 284m2 đất ra vị trí khác. Sau đó, cho ai sử dụng diện tích đất cấp đổi này là việc của gia đình cụ Ngẫm.
Cũng theo ông Phong, không có cơ sở pháp lý nào để xác định quyền sử dụng mặt nước đối với diện tích ao nêu trên của cụ Nhâm và ông Duyên. Hiện nay, toàn bộ diện tích ao này là đất nuôi trồng thủy sản, do UBND thị trấn Như Quỳnh quản lý. Mặc dù gia đình cụ Nhâm và ông Duyên là người địa phương, không có nhà ở, không có đất để sản xuất, nhưng theo ông Phong, gia đình muốn được giao đất thì phải đấu giá.