Nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng, hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, thành lập các cơ sở tư vấn dự phòng và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy, tích cực vận động người nghiện, người sử dụng ma tuý đi cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập của Thành phố.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy.
Tại địa bàn TP. Hà Nội nói chung, huyện Sóc Sơn nói riêng, công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.
Nhận thức về tác hại của ma túy và trách nhiệm phòng, chống ma túy của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên. Các biện pháp cai nghiện ma túy hiệu quả tiếp tục được phát huy, xã hội hóa công tác cai nghiện được chú trọng.
Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sóc Sơn cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, huyện Sóc Sơn tăng cường rà soát nhóm người nghi nghiện và người có nguy cơ đề phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Chủ động phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, thực hiện các nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
Kịp thời phát hiện người tái sử dụng trái phép chất ma túy để xác định tình trạng nghiện; người đang cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Vận động, khuyến khích người nghiện, gia đình người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện tham gia các biện pháp cai nghiện. Thường xuyên, rà soát, thống kê số lượng người nghiện ma túy, lập danh sách người cai nghiện ma túy tự nguyện.
Bố trí địa điểm, nhân sự tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện. Phân công cán bộ quản lý theo dõi, đánh giá kết quả đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND các xã, thị trấn.
Giao nhiệm vụ tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, thành lập các cơ sở tư vấn dự phòng và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy; thành lập các cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện. Tích cực vận động người nghiện, người sử dụng ma tuý đi cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập của Thành phố.
Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy.
Cũng theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sóc Sơn, "Đối với công tác quản lý sau cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, huyện sẽ tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng lực cho lực lượng tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì, phát triển các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy".
Khuyến khích các xã, thị trấn chủ động nghiên cứu, áp dụng mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy phù hợp ngoài các mô hình đã triển khai như: Mô hình Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; Mô hình Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng - CLB B93. Lựa chọn 01 mô hình hiệu quả đăng ký với Ban Chỉ đạo 89 Huyện và Thành phố, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện cuối năm, đề xuất nhân rộng, lựa chọn mô hình phù hợp trên địa bàn huyện.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng Tình nguyện viên và các tổ chức đoàn thể trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Phân công cho hội viên các đoàn thể, tình nguyện viên,… trực tiếp tham gia quản lý, tư vấn,g iúp đỡ người sau cai nghiện ma túy nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện. UBND xã, thị trấn cùng các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
Huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm... giúp đỡ người nghiện ma tuý sau cai nghiện hoàn lương, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.