Trước tình hình hàng nghìn người đổ về từ các tỉnh thành trong nước và nước ngoài, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã khẩn cấp kích hoạt “4 tại chỗ”, chủ động, linh hoạt bố trí sắp xếp người dân trong khu cách ly tập trung khoa học, an toàn, không lây nhiễm chéo.
Theo báo cáo của huyện Nông Cống, từ ngày 27/4 đến nay, toàn huyện có hơn 27 nghìn người đang sinh sống, làm việc ngoài tỉnh và nước ngoài trở về địa phương. Cụ thể, huyện có 22.687 người từ địa phương khác về khai báo y tế; 189 người cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của huyện, trong đó hết thời gian cách ly 76 người, đang cách ly 97 người; chuyển Bệnh viện Phổi 16 người; có 1.762 người đang cách ly tập trung tại xã, trong đó có nhiều xã đã sử dụng 3 đến 4 cơ sở với số lượng hàng trăm người/xã; có 5.523 người cách ly tại nhà (hết thời gian 4.036 người, đang cách ly 781 người). Số lượng lớn nhất là tại xã Công Liêm, từ ngày 20/7 đến nay có gần 1.000 người từ các tỉnh phía Nam trở về, chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 9/8, trên địa huyện ghi nhận 26 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 đã được chuyển về Cơ sở điều trị Covid-19 số 1 của tỉnh tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cách ly điều trị. Tất cả được cách ly tập trung từ khi về địa phương, không có trường hợp là F1 trong cộng đồng, không có trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Hiện nay, huyện Nông Cống đã rà soát được 1.586 nhà dân hiện không sử dụng, Ban chỉ đạo các xã, thị trấn mượn để cho người cách ly tập trung tại xã, nếu có kết quả xét nghiệm PCR từ lần 1 âm tính về cách ly tại nhà. Ngoài ra huyện chỉ đạo các xã làm việc với gia đình có người cách ly tạo điều kiện dồn người về gia đình người thân để dành nhà riêng cho người cách ly, bàn giao chìa khóa cho tổ giám sát cộng đồng quản lý. 29 xã, thị trấn đã thực hiện việc ký cam kết vận động con em ở nơi có dịch không về địa bàn, trường hợp về sẽ thông báo trước cho chính quyền, Tổ giám sát cộng đồng ít nhất 2 ngày để chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch, cách ly…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đánh giá cao và biểu dương các cấp uỷ, chính quyền, lực lượng chức năng huyện Nông Cống đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai công tác phòng, chống dịch. Chủ động nắm thông tin con em địa phương đi làm ăn xa, từ đó chủ động bố trí các phương án đón, bố trí cách ly tại các điểm cách ly, với số số lượng người về rất đông, trong thời gian ngắn. Việc tổ chức cách ly được quản lý chặt chẽ, bảo đảm quy định phòng, chống dịch nên khi xuất hiện ca bệnh không có sự lây nhiễm ra cộng đồng.
Thời gian tới, Nông Cống cần tiếp tục điều tra, giám sát, quản lý chặt người về địa phương, không để bị động, bất ngờ khi các tình huống dịch xảy ra. Tuỳ theo điều kiện để bố trí phù hợp với điều kiện của từng khu cách ly; tăng cường tuyên truyền người cách ly thực hiện nghiêm nội quy, quy định khu vực cách ly; bố trí bình khử khuẩn cầm tay tại các khu vực vệ sinh chung; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tại khung cách ly...
Để chia sẻ với những khó khăn cho các lực lượng, người dân trong khu cách ly, nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ quan đoàn thể đã chung tay ủng hộ, góp của, góp sức nấu hàng nghìn suất cơm nghĩa tình. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền để người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà chức trách, cơ quan y tế, tăng sức đề kháng cho bản thân và hãy tự tiêm cho mình, người thân những liều “vác xin niềm tin chiến thắng”. Thành công từ việc vận hành, kiểm soát khu cách ly tập trung tại các xã của huyện Nông Cống là bài học để các địa phương khác triển khai, thích ứng với tình hình mới.
Theo thống kê, Thanh Hóa có khoảng 4 triệu dân, trong đó 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Số lao động trong khu kinh tế và các khu công nghiệp mới đáp ứng khoảng 340 nghìn người. Sản xuất nông nghiệp ngày một kém hiệu quả, nhiều chính sách cho các đồng bào trên khu vực miền núi còn bất cập (địa phương này có 7/61 huyện nghèo nhất cả nước). Việc người dân tỏa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước (tập trung lớn nhất Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) để tìm kiếm việc làm là nhu cầu chính đáng. Trong khi đó, việc đào tạo nghề tại địa phương còn quá nhiều hạn chế, không phù hợp thực tế dẫn tới tỷ lệ lao động chân tay, lao động tự do khá lớn. Khi có khó khăn, dịch bệnh xảy ra thì lực lượng bị tác động đầu tiên chính là đối tượng này. Qúa trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra từng ngày, lao động nông thôn không có việc làm và những lúc nông nhàn sẽ tiếp tục đổ về thành phố. Để người dân không phải tha hương tìm kế mưu sinh, cần một chiến lược tổng thể, khoa học, dài hơi, sát thực tế.
Như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “khó khăn “tứ phương, bốn hướng” với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân. Nhưng chúng ta không vì thế đánh mất sự lạc quan, đánh mất bản lĩnh, đánh mất niềm tin. Chúng ta phải có niềm tin chiến thắng, phải có bản lĩnh để vượt qua. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải giữ bản lĩnh của dân tộc ta, của mỗi người dân, càng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau, phát huy trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chiến đấu chống dịch và sản xuất”.