Dự án bạt mái taluy để chống sạt lở trước mùa mưa bão là một trong những công trình mang tính nhân văn và thiết thực, thế nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vấn đề bất cập khiến người dân hết sức bất bình.
Ngày 02/08/2018, UBND huyện Nam Đàn nhận được tờ trình số 62 của UBND xã Nam Lộc về việc xin cải tạo vườn ở (bạt mái taluy), chống sạt lở trước mùa mưa bão. Ngày 10/12/2018, UBND huyện Nam Đàn có công văn số 2329 về việc bạt mái taluy để chống sạt lở trước mùa mưa bão tại xã Nam Lộc.
Sau khi khảo sát và xem xét, UBND huyện Nam Đàn đã đồng ý cho UBND xã Nam Lộc cải tạo 9 hộ, với diện tích khoảng 4000m2, thuộc xóm 10 của xã. UBND huyện giao chính quyền xã phải lập và phê duyệt phương án cải tạo, nhằm phát huy được hiệu quả. Lượng đất, đá dư thừa chủ yếu phục vụ làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, phục vụ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nếu có lượng đất thừa để phục vụ mục đích khác thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Khu vực đang thực hiện đề án chống sạt lở thuộc xóm 10 xã Nam Lộc.
Tại tờ trình số 117, UBND xã Nam Lộc đã có kế hoạch cải tạo cụ thể như sau: cho múc bạt taluy thành ba cấp; lượng đất sau khi múc để phục vụ cho việc đắp nội đồng xã Nam Lộc khoảng 4700m3. Khối lượng đất thừa sau khi đắp nội đồng thừa khoảng 8530m3 thì cho đơn vị là Công ty CP đầu tư phát triển Thành Vinh – đơn vị đứng ra nhận thầu việc bạt mái taluy, chống sạt lở (có trụ sở tại thành phố Vinh – Nghệ An), được đem đi phục vụ cho các công trình trên địa bàn huyện.
Ngày 11/3/2019, chúng tôi có mặt tại xóm 10, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn ghi nhận sự việc người dân địa phương phản ánh. Tại đây, không khó để PV có thể quan sát thấy nhiều xe tải ra vào khu vực lấy đất, sau đó chở đi các hướng khác nhau.
Tại vị trí khai thác đất, một chiếc máy xúc đang đào bới, múc đất đổ lên thùng xe tải đang chờ lấy đất. Những chiếc xe tải chở đầy đất trong tiếng máy gầm gào lần lượt đi ra đường quốc lộ 15 rồi tỏa đi các hướng như về phục vụ công trình tại huyện Hưng Nguyên, vào nhà máy gạch Đồng Tâm (tại xã Khánh Sơn – huyện Nam Đàn)....
Những chiếc xe che đậy sơ sài và chở quá thành thùng.
Ông C - một người dân sinh sống gần khu vực đang diễn ra khai thác đất cho biết: “Họ lấy đất từ trong Tết rồi kéo dài đến nay. Việc lấy đất gây ồn ào, bụi bẩn và xe chạy cả ngày gây nguy cơ mất an toàn giao thông”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Lộc – Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết: “Đây là khu vực hay bị sạt lở vào mùa mưa, năm 2017, cũng bị sạt lở và đã có khắc phục chống sạt lở một số hộ gần đó. Hiện nay, có 9 hộ xin được cải tạo vườn, chống sạt lở trong mùa mưa bão, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Nam Đàn xin chủ trương xử lý sạt lở ban đầu và đã được UBND huyện đồng ý. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí của địa phương eo hẹp nên chúng tôi đã cho một đơn vị tư nhân đến thu dọn lượng đất dư thừa, đất sạt lở để tạo mặt bằng và khoảng cách an toàn đến khu dân cư. Để chống sạt lở có hiệu quả, hiện tại UBND xã Nam Lộc cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Nam Đàn, trình phương án chống sạt lở”.
Nếu việc thu dọn lượng đất dư thừa, đất sạt lở diễn ra như chủ trương của UBND huyện Nam Đàn đồng ý cho UBND xã Nam Lộc tiến hành thì sẽ chẳng có gì phải bàn. Thế nhưng, trong phương án trình huyện, xã Nam Lộc xin lượng đất khoảng 4700 m3 để dùng vào việc đắp giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thì hiện nay xã mới chỉ đắp được khoảng 200m3?. Tiến độ của dự án được thực hiện từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019. Đơn vị nhận thầu đã đóng số tiền hơn 12 triệu đồng để được vận chuyển đất đi bán cho các dự án.
Cũng theo chia sẻ của cán bộ địa phương thì hiện nay, dự án đã hoàn thành khoảng 60 % khối lượng, đã cải tạo xong 6 nhà nhưng lượng đất đắp nội đồng thì mới được khoảng 200 m3/ tổng 4700m3 theo phương án được huyện phê duyệt.
Ô nhiễm môi trường do xe chở đất che chắn sơ sài gây ra.
Khi PV hỏi lượng đất cải tạo được chuyển đi đâu thì cán bộ địa phương từ Chủ tịch UBND xã đến cán bộ địa chính đều cho biết: "Chúng tôi không biết, chúng tôi không đếm từng xe và cũng không theo từng xe xem họ chở đi đâu, việc chở đi đâu là họ tự chở". Mặt khác, lãnh đạo địa phương còn tỏ ra “thông cảm” cho doanh nghiệp vì “khả năng đá cứng nên không đạt được khối lượng hơn 12.000 m3 như dự tính ban đầu”.
Khi được hỏi, địa phương lấy căn cứ đâu để biết họ khai thác đủ hay thiếu khối lượng so với dự tính ban đầu, trong khi địa phương không cử ai giám sát và ghi lại số lượng, thì hai vị này lúng túng và im lặng.
Khi PV cho biết thời gian qua đã ghi nhận lượng đất ở đây được vận chuyển đi để phục vụ các công trình ở xã Nam Trung, Nam Phúc (huyện Nam Đàn); công trình huyện Hưng Nguyên và nhập cho nhà máy gạch Đồng Tâm với đơn giá 45.000đ/ m3... thì lãnh đạo địa phương tỏ ra thờ ơ và không quan tâm.
Trong cam kết khai thác của đơn vị nhận thầu là Công ty CP đầu tư phát triển Thành Vinh, việc chở đúng tải trọng, không rơi vãi dọc đường gây ô nhiễm môi trường là một vấn đề đã được UBND xã Nam Lộc yêu cầu phải thực hiện. Tuy nhiên, thực tế các xe vận chuyển đất ở đây đều có dấu hiệu chở quá thành thùng, cơi nới và che đậy quá sơ sài. Vì thế việc rơi vãi dọc đường và gây bụi là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng vắng bóng lực lượng chức năng để xử lý.
Một trong những điểm tập kết là nhà máy gạch Đồng Tâm thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn.
Trước sự bất cập của một dự án mang tính nhân văn và thiết thực này, yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ việc chính quyền địa phương cấp xã và cấp huyện có đủ thẩm quyền để cho doanh nghiệp đưa khoáng sản ra khỏi địa bàn hay không? Và đề án chống sạt lở này liệu có bị lợi dụng biến thành một hình thức khai thác khoáng sản để trục lợi hay không?.