Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Đoàn Thu Hà đối với UBND huyện và Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể huyện Cao Lộc nhằm đẩy mạnh, phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể, trọng tâm là các hợp tác xã (HTX) đối với phát triển kinh tế huyện Cao Lộc.
Số HTX thành lập mới đạt 200% chỉ tiêu UBND tỉnh giao
Là một trong những HTX mới được thành lập, HTX Yên Phát, thôn Yên Thủy II, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đi vào hoạt động từ tháng 6/2019, với ngành nghề kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất rau sạch rau an toàn, trồng và chế biến lâm thổ sản...Vốn điều lệ là 1 tỷ 100 triệu đồng. Theo báo cáo, đến nay, sau 2 năm thành lập, HTX Yên Phát vẫn duy trì hoạt động với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Đường Thế Quang, Giám đốc HTX Yên Phát chia sẻ, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên HTX hoạt động chưa hiệu quả.
“Chúng tôi giờ hoạt động cầm cự, lấy ngắn nuôi dài. Nguồn thu chủ yếu đến từ việc chăn nuôi gà. Nguồn tiền thu được từ việc bán gà chúng tôi sử dụng để duy trì hoạt động các ngành nghề khác”, ông Đường Thế Quang chia sẻ.
Cũng là một trong những HTX còn non trẻ của huyện Cao Lộc, HTX Nông nghiệp Công Sơn, xã Công Sơn với ngành nghề chủ yếu là nấu và kinh doanh rượu.
Theo ông Triệu Sáng Suẩn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Sơn, sản phẩm chủ lực của HTX là rượu men lá. Đến nay, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, HTX đã sản xuất được những mẻ rượu đầu tiên, thơm ngon và mang hương vị đặc trưng của núi rừng Công Sơn. Sản phẩm rượu men lá Công Sơn sẽ sớm được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể huyện Cao Lộc, trên địa bàn huyện có tổng số 38 hợp tác xã (35 HTX đang hoạt động, 03 hợp tác xã đang tạm ngừng hoạt động), tổng số 401 thành viên, tổng vốn điều lệ là 209.077 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2021 thành lập mới được 06 HTX nông, lâm nghiệp tăng 03 HTX so với kế hoạch năm 2021; đạt 200% kế hoạch.Số HTX hoạt động khá trên địa bàn huyện chiếm 28,57%; số HTX trung bình chiếm tỷ lệ 23,8% và số HTX hoạt động yếu chiếm tỷ lệ 47,62%.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó thành lập mới được 05 Tổ hợp tác, doanh thu bình quân ước đạt khoảng 60 triệu đồng/Tổ hợp tác, lãi bình quân khoảng 15 triệu đồng. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết, trong 6 tháng cuối năm,UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mục tiêu về phát triển kinh tế tập thể, trong đó phấn đấu tăng thêm 02 Tổ hợp tác và thêm từ 01 HTX thành lập mới trở lên. Xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến từ 02 mô hình trở lên. Số mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo Nghị định 98/2018 -CP của Chính phủ gắn với thực hiện Nghị quyết 08 từ 01 mô hình trở lên. Tỷ lệ xếp loại HTX (tốt, khá, trung bình, yếu theo Thông tư số 01/2020/TTBKHĐT) tăng từ 3% trở lên theo kế hoạch. Số sản phẩm của HTX được công nhận sản phẩm OCOP: 5 sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện Cao Lộc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể.
Phân công cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các hợp tác xã, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và nắm thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt quan tâm hướng dẫn các HTX mới thành lập, các HTX trung bình, yếu kém.
Thực hiện tốt chức năng tư vấn, hướng dẫn cho người dân và các hộ kinh doanh có nhu cầu đăng ký thành lập HTX theo thẩm quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, HTX năm 2021 nhằm tiếp nhận, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn huyện.
Tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, toàn thể thành viên HTX, tổ hợp tác.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các hộ dân tham gia thành lập tổ hợp tác, vận động các tổ hợp tác chuyển đổi mô hình đăng ký thành lập hợp tác xã.
Các HTX cần nâng cao hơn nữa kỹ năng quản trị, tạo liên kết trong phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết, Cao Lộc là 1 trong 5 huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, có vị trí địa chính trị quan trọng, cửa ngõ thông thương hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc. Với 4 tuyến Quốc lộ liên kết với các huyện; diện tích tự nhiên là 62 nghìn ha, chiếm 7,5% diện tích của tỉnh với 89,5% là diện tích đất nông, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng tích cực. Có nhiều nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú. Có nhiều đặc sản nông, lâm nghiệp...
Bà Đoàn Thu Hà, khẳng định: “Cao Lộc có tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế xã hội nói chung và doanh nghiệp, kinh tế tập thể nói riêng”.
Theo bà Đoàn Thu Hà, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động, phát triển của khu vực kinh tế tập thể nói riêng. Ban Chỉ đạo huyện Cao Lộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. “Do đó, tình hình phát triển kinh tế tập thể của huyện Cao Lộc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Hà cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển kinh tế tập thể tại huyện Cao Lộc còn một số hạn chế,cần khắc phục trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn chỉ rõ, nhận thức và trách nhiệm, năng lực của một số thành viên Ban Chỉ đạo của huyện chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ của của lãnh đạo huyện đối với các thành viên Ban Chỉ đạo huyện chưa kịp thời, thường xuyên; công tác kiện toàn và kế thừa nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo còn hạn chế...
Việc duy trì, hoạt động của các HTX được thành lập theo tiêu chí Nông thôn mới không đạt mục tiêu. Số lượng các HTX được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước còn hạn chế,chưa tương xứng. 85% là HTX trung bình và yếu...Số lượng HTX hoạt động theo mô hình chuỗi liên kết còn ít, chưa bền vững, còn hạn chế về xây dựng và phát triển thương hiệu...
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đề nghị,để đẩy mạnh, phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể, trọng tâm là các HTX đối với phát triển kinh tế địa phương... UBND huyện và Ban Chỉ đạo huyện cần quan tâm, trú trọng hơn nữa công tác phát triển và vai trò của kinh tế tập thể. “Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cần trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể hơn để phát huy tốt, hiệu quả, vai trò của Ban Chỉ đạo cấp huyện trong công tác phát triển kinh tế tập thể”,bà Đoàn Thu Hà nêu rõ.
Cũng theo bà Đoàn Thu Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó trưởng Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong công tác thành lập mới HTX, Tổ hợp tác và triển khai các chính sách về phát triển kinh tế tập thể.
Nâng cao hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp huyện; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ; thay đổi tư duy, phương pháp hỗ trợ, tuyên truyền các chính sách.
Chủ động tổ chức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, trọng tâm là cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với khu vực kinh tế tập thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, UBND huyện Cao Lộc cần tiếp tục củng cố, phát triển hoạt động của các HTX hiện có; nghiên cứu, hỗ trợ thành lập mới và duy trì hoạt động hiệu quả với các HTX trong lĩnh vực: Vận tải, bốc xếp gắn với xuất nhập khẩu; chế biến và tiêu thụ nông sản xuất khẩu; sản xuất làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch.