Olympic Paris 2024 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử biểu tượng của Olympic hợp nhất với Paralympic. Mẫu huy chương sẽ được trao ở kỳ Thế vận hội tổ chức tại nước Pháp cũng vừa được chính thức công bố.
Lễ khai mạc Thế vận hội lần thứ 33 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/7/2024. Mới đây, các huy chương Olympic và Paralympic đã được công bố, tất cả các huy chương đều chứa một mảnh kim loại rất đặc biệt từng là một phần của Tháp Eiffel.
Các huy chương Olympic và Paralympic đều được khắc tên môn thể thao, bộ môn và sự kiện ở rìa. Những dòng chữ này được viết bằng tiếng Pháp trên huy chương Olympic và bằng tiếng Anh trên huy chương Paralympic, ngôn ngữ chính thức tương ứng của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC).
"Không giống bất kỳ huy chương nào trong số khoảng 36.600 huy chương đã được trao kể từ Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên ở Athens 1896, mỗi huy chương này sẽ được trang trí bằng một mảnh nhỏ của Paris và một biểu tượng của đất nước Pháp: Tháp Eiffel", trang chủ Olympic đăng tải thông báo.
Tony Estanguet Chủ tịch Ban tổ chức Paris 2024 giải thích: "Quyết định này xuất phát từ mong muốn làm cho những đồ vật này trở nên độc đáo".
Khung sắt của tháp Eiffel được tháo ra trong đợt cải tạo trước đó đã được tái sử dụng để tạo ra phần trung tâm hình lục giác của huy chương. Họ nói thêm rằng động thái này sẽ mang lại cho các VĐV "những mảnh ghép thực sự của Paris" để mang về nhà.
Lớp sơn màu nâu sẫm đặc trưng của Tháp Eiffel đã được làm sạch và các mảnh được cắt thành hình lục giác trước khi được in nổi logo Paris 2024.
Các miếng sắt được giữ ở vị trí bằng cách thiết lập “móng vuốt”, một kỹ thuật thường dùng để cố định đá quý vào các món đồ trang sức. Trên mỗi huy chương, sắt nguyên bản từ Tháp Eiffel được cắt thành hình lục giác, hình dạng hình học gợi nhớ đến nước Pháp.
Tháng 7 năm ngoái, ban tổ chức Thế vận hội thông báo rằng ngọn đuốc Olympic sẽ là ngọn đuốc đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội được sử dụng cho cả Thế vận hội và Paralympic.
Với hiệu ứng gợn sóng được thiết kế để gợi lên dòng nước chuyển động, ngọn đuốc nặng 3,3 pound của nhà thiết kế người Pháp Mathieu Lehanneur sẽ được sản xuất hoàn toàn từ thép tái chế.