Hữu Liên Á Châu: Vì đâu nên nỗi?

31/03/2014 09:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 35 năm hoạt động, lần đầu tiên Ban lãnh đạo CTCP Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA) thừa nhận Công ty đang đối mặt với khó khăn lớn nhất và nguyên nhân có thể gói gọn trong một chữ: Tiền!

Làm nhỏ sống hoài, làm lớn… chết không hay

Ở đây, khi trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban lãnh đạo HLA muốn nhấn mạnh ngoài những nguyên nhân khiến công ty lỗ nặng trong năm qua là do tình hình chung của đặc thù ngành thép thì nguồn lực tài chính hạn hẹp chính là mở đầu cho mọi vấn đề.

Theo đó, Ban lãnh đạo HLA cho biết Công ty có đủ nguồn lực về nhân sự, sản xuất, công nghệ, khách hàng (thị phần)… nhưng với cơ chế mới thì cần phải có tiền mới xoay sở được với ngân hàng về việc “giải phóng” hàng tồn kho.

Tại thời điểm 30/09/2013, giá trị hàng tồn kho của HLA hơn cả nghìn tỷ đồng và tập trung chủ yếu vào tồn kho hàng hóa hơn 814 tỷ đồng, tồn kho nguyên vật liệu gần 185 tỷ đồng. Tất cả giá trị hàng tồn kho này được HLA mang đi “cầm cố” trong ngân hàng, đây không phải là vấn đề của riêng Hữu Liên Á Châu mà là của cả ngành thép nói chung, đại diện HLA cho biết.

Sốc trước thua thua lỗ lớn trong năm 2013

Trong năm tài chính 2013 (từ 01/10/2012 đến 30/09/2013), HLA đã gây bất ngờ lớn khi doanh thu hợp nhất đạt hơn 4,065 tỷ đồng mà vẫn lỗ 235.74 tỷ đồng. Con số lỗ khủng cũng chỉ mới xuất hiện vào quý cuối của năm tài chính 2013, HLA vẫn lãi 15.79 tỷ đồng vào 9 tháng đầu năm này.

Kể từ năm 2009 đến 2012, mặc dù không duy trì sự ổn định nhưng HLA vẫn luôn hoạt động có lãi. Vì vậy, kết quả năm 2013 có thể xem là “cú sốc” cho những ai quan tâm đến HLA.

Hữu Liên Á Châu: Vì đâu nên nỗi?

Và để giải quyết hàng tồn kho này thì không có cách nào hơn là Công ty phải xoay nguồn tiền, mang vào ngân hàng thì mới “giải phóng” được lượng tồn kho này. Điều này đối với HLA lúc này là vô cùng khó khăn, hiện tại Công ty chỉ xoay dòng tiền “nhỏ giọt” nên việc bán hàng tồn kho cũng theo đó sẽ ít hơn. Ngoài ra, tới thời điểm này, hạn mức vay của HLA còn trên nghìn tỷ đồng nhưng các ngân hàng chắc sẽ không giải ngân thêm nữa.

Một phần là do nợ vay hiện tại của HLA đang ở mức rất lớn, gần 1,878 tỷ đồng, chủ yếu lại là nợ ngắn hạn với 1,280 tỷ đồng. Đây là “kết quả” mà do Công ty chấp nhận để mở rộng sản xuất nhằm tương xứng với sự kỳ vọng về tốc độ phát triển của nền kinh tế trước đó. Đại diện HLA chia sẻ: “Tốc độ phát triển của doanh nghiệp không phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, khi càng phát triển doanh nghiệp thì cơ cấu vốn càng dễ mất cân đối và đến một lúc nào đó, chính cái này sẽ giết chết doanh nghiệp!”.

Vì vậy, “làm nhỏ thì sống hoài nhưng làm lớn thì chết… không hay”, vị đại diện này cho biết thêm.

Bên cạnh đó, thị trường chủ lực của HLA hiện nay là thép ống và tập trung mạnh vào xuất khẩu. Mặc dù biên lợi nhuận cao nhưng các quốc gia trong khu vực dựng hàng rào phi thuế quan đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động này.

Ngoài ra, vấn đề đầu cơ nguyên liệu đầu vào cũng hết sức nhức nhối đối với các doanh nghiệp ngành thép. Tại ĐHĐCĐ thường niên lần 1/2014 của HLA cuối tuần qua (đã không thể diễn ra do số lượng cổ đông tham dự không đạt tỷ lệ), ông Lê Anh Hải, Trưởng bộ phận phát triển thị trường của HLA cho biết nếu đầu cơ đúng thời điểm thì thắng to nhưng trật sóng thì sẽ có tác hại khôn lường. Như trong năm vừa qua, không riêng gì HLA mà các doanh nghiệp ngành thép gặp các con sóng do các nhà tài phiệt Trung Quốc tạo nên khiến chênh lệch nguyên liệu thép đầu vào lên đến cả trăm USD/tấn.

Tái cấu trúc, có cứu nổi tình thế?

Trong năm 2014, HĐQT HLA đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tài chính 2014 (từ 01/10/2013 đến 30/09/2014) với doanh thu 3,000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 0. Năm 2014, HLA sẽ tiến hành thoái vốn khỏi Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên.

Đối với vấn đề này, đại diện HLA cho biết thoái vốn khỏi MTV Thép Hữu Liên là tình thế bắt buộc do nguồn vốn vay của Công ty đang bị đóng băng. Thoái vốn khỏi công ty con là bước đầu trong việc tái cấu trúc để tập trung nguồn vốn về Công ty mẹ và trang trải chí phí vay cho ngân hàng.

Bước thứ hai, HLA sẽ thực hiện đàm phán với ngân hàng để xin kéo giãn nợ vay (chuyển nợ ngắn hạn sang dài hạn) và giảm lãi suất. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì công tác đàm phán vẫn chưa có hiệu quả do phía ngân hàng cũng gặp những khó khăn riêng.

Trong năm nay, HLA chấp nhận thua lỗ để tập trung vào việc đàm phán với ngân hàng vì bây giờ doanh nghiệp không có vốn hoạt động (đặc thù ngành thép là chi phí đầu tư cực lớn). Phân khúc chính của HLA vẫn là ống thép (vì không có vốn đầu tư thêm), theo đó năm 2014 và 2015 là năm bản lề để HLA “trụ” được trên thị trường chứ tăng trưởng thì sẽ không có.

Thứ ba, HLA cũng đang có phương án huy động vốn từ cổ đông, bán cổ phiếu giá rẻ hoặc thông qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, vị đại diện này cho biết phương án nào cũng có khó khăn riêng của nó, ví dụ như việc phát hành dưới mệnh giá thì cần phải có nguồn bù (điều này thì HLA càng không thể) hay phát hành trái phiếu thì khó khăn lớn nhất là liệu có ai mua hay không?

Kế hoạch là vậy nhưng trước mắt HLA chỉ tập trung vào việc thương thảo với phía ngân hàng (từ đầu năm đến nay chỉ theo đuổi mỗi mục tiêu này) để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính.

“Rất nhiều phương án được HĐQT đưa ra, Công ty đi được ngõ nào thì đi chứ chắn chắn thì rất là khó. Một điều duy nhất là chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vực dậy Công ty”, đại diện HLA chia sẻ.

Sanh Tín

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hữu Liên Á Châu: Vì đâu nên nỗi?