Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, các làng nghề sản xuất hương trầm ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) lại tất bật vào vụ Tết. Hiện, mỗi cơ sở đang phải thuê tới gần 15-30 công nhân mới có thể sản xuất hàng triệu que hương, kịp đáp ứng thị trường dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Những ngày này, các công nhân ở Cơ sở sản xuất hương trầm Thiết Hợi, khối 3, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu đang khẩn trương đóng gói sản phẩm để xuất cho các thương lái. Hương trầm Quỳ Châu được bắt đầu sản xuất từ đầu tháng 10 (âm lịch), song càng cận Tết nguyên đán, không khí sản xuất, mua bán càng thêm tấp nập.
Chị Lương Thị Đức, ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) là công nhân thời vụ của cơ sở này đã 13 năm qua, cho biết, hơn 10 giờ có thể quấn được 4.000 que hương loại 40 cm và được hưởng tiền công 300.000 đồng.
Để sản phẩm hương trầm đạt chất lượng tốt, ngay từ đầu năm, các cơ sở sản xuất hương trầm phải chuẩn bị và lựa chọn nguyên liệu rất kỹ lưỡng, đặt mua rễ hương, các loại thảo mộc như hoa hồi, thảo quả, bã mía… Tất cả đều được xay thành bột sau đó mới trộn nguyên liệu theo tỉ lệ gia truyền.
Chân hương được làm từ thân cây lùng non, chặt từ đầu năm và ngâm bùn đến tháng 8-10 thì đưa lên để chẻ và tẩm màu, đồng thời phải phơi cho được nắng thì tàn hương mới đẹp, mới quăn. Hương thành phẩm có nhiều độ dài khác nhau như 40cm, 60cm, 1m và 1,2m.
Tại cơ sở sản xuất hương Bình Minh, khối 2, thị trấn Tân Lạc, chị Hoàng Thúy Vân chủ cơ sở sản xuất hương trầm Bình Minh cho biết: “Ngoài sản xuất hương trầm truyền thống, cơ sở còn sản xuất các sản phẩm hương trầm thẻ, hương vòng, hương nến... Mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường trung bình hơn 4 triệu que hương. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu và nhân công, gia đình lãi từ 170 - 200 triệu đồng/năm”.
Toàn huyện Quỳ Châu hiện có hơn 200 hộ thuộc nhiều làng nghề ở các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, thị trấn Tân Lạc... Trong đó, 3 cơ sở đã được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Nghệ An).
Hương trầm Quỳ Châu có mùi thơm đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng trong dịp lễ Tết. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 80-90 triệu que hương, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 500-600 lao động của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho nhân dân huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.