Sau khi bị bong da tay đến mức chảy máu, ngày 8/1 Hương Tràm lại được bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng cấp.
Trước thềm liveshow "Hộp thư số 1" diễn ra tối 11/1 tới đây tại Hà Nội, Hương Tràm bất ngờ gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Bác sĩ cũng đã đưa ra cảnh báo tới giọng ca Em gái mưa.
Đại diện của Hương Tràm cho hay, cô bị dị ứng từ giao thừa năm 2019 khi ra Hà Nội để tập luyện cùng ban nhạc. Ban đầu chỉ ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ, nữ ca sĩ nghĩ mức độ dị ứng khá nhẹ nên chủ quan, vẫn làm việc. Tình trạng bệnh ngày càng nặng, cơ thể nổi từng mảng đỏ từ cổ xuống đến chân tay khiến cô phải đến bệnh viện khám chữa.
Cũng theo chia sẻ của người quản lý, suốt thời gian luyện tập cho show diễn, Hương Tràm luôn phải mặc áo cổ lọ để che đi các vết dị ứng. Đây cũng là lý do khiến giọng ca Em gái mưa từ chối các lời mời phỏng vấn trước thềm live show.
Hương Tràm bị dị ứng cấp tính, nổi mẩn khắp người
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán nữ ca sĩ bị dị ứng cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, Hương Tràm cũng bị sút cân và stress nặng, mất ngủ thường xuyên vì quá lo lắng cho liveshow. Mỗi lần bị áp lực cô đều tự bóc da tay đến rỉ máu. Tật bóc da tay của cô bắt đầu từ cuối tháng 10 và đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Theo các bác sĩ, hiện tượng dị ứng (hay còn gọi là quá mẫn) là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít gây nguy hại như bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật, nấm mốc, thức ăn, thuốc, hóa chất, nọc côn trùng... (còn được gọi là các dị nguyên). Nguyên nhân gây ra các bệnh dị ứng được cho là do sự kết hợp của các yếu tố chủ thể (như tuổi, giới, chủng tộc, di truyền) với yếu tố môi trường.
Khi dị ứng trên da sẽ nổi những nốt sần, phù, màu đỏ và gây ngứa những phần hở, từ đó có thể lan toàn thân. Ở giai đoạn bệnh nhẹ có thể chỉ có một vài biểu hiện như mề đay, da nổi phát ban, ngứa dị ứng, da nổi mảng sẩn đỏ tùy kích cỡ. Thường biểu hiện dị ứng xuất hiện ở những vùng da hở như mặt, cánh tay, chân, môi…
Cũng chính vì vậy mà đa phần mọi người nghĩ rằng dị ứng là bệnh nhẹ gây nổi mề đay, các nốt dị ứng và mẩn ngứa chứ không phải một loại bệnh gây nguy hiểm. Nhưng người bệnh chủ quan bỏ qua, xử lý không đúng càng làm tình trạng trầm trọng, dị ứng khắp người, nguy cơ bị mãn tính cao.
Nguy hiểm nhất là khi dị ứng thời tiết là nổi mề đay cấp tính. Người bệnh sẽ bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng trên khắp cơ thể. Khi có dấu hiệu nổi mề đay cấp tính, người bệnh nên nhanh chóng tới cơ sở y tế.
Phòng tránh thế nào?
Dự phòng dị ứng rất quan trọng, tùy thuộc vào từng cơ địa mà có các biện pháp dự phòng để hạn chế dị ứng. Chủ động kiểm soát môi trường, tránh xa các tác nhân gây dị ứng, đồng thời có hướng xử lý kịp thời khi người dân mắc phải viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng về da.
Đối với trường hợp dễ bị mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với một số kích thích gây đợt dị ứng cấp thì cần hạn chế tiếp xúc. Ví dụ khi dùng các loại hóa mỹ phẩm phải thử vào vùng da cẳng tay trước khi sử dụng. Mang đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi phải tiếp xúc với hóa chất, sơn, dầu, thuốc trừ sâu diệt cỏ. Điều trị tốt các bệnh nhiễm nấm, kí sinh trùng.
Với người bị dị ứng phấn hoa, dị ứng thực phẩm trong đó có hải - thủy sản phải hết sức thận trọng khi ăn uống. Đối với người có cơ địa dị ứng, có thể tới các trung tâm miễn dịch - dị ứng để điều trị giải mẫn cảm (cho bệnh nhân tiếp xúc dần dần với chất gây dị ứng để cơ thể quen và mất đi hiện tượng dị ứng với chất đó) hoặc xác định rõ loại chất gây dị ứng để bệnh nhân phòng tránh tiếp xúc.