Tại TP.HCM, đã diễn ra lễ Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 . Tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19”, các đại biểu đã có nhiều đề xuất liên quan đến lực lượng lao động phi chính thức, trong đó có việc cần hướng tới tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc.
Hội thảo do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Giám đốc ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen chủ trì. Trong đó, tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng như: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập; những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19…
Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề, ông Lê Duy Bình- Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, đang có một bộ phận ngày càng lớn lao động không bao giờ có quan hệ lao động được thể hiện qua hình thức HĐLĐ có tính ổn định, dài hạn. Đồng thời, những lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao, lao động trên các nền tảng công nghệ sẽ ngày càng đông đảo về số lượng. Chính vì vậy, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để họ tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có HĐLĐ.
"Nói cách khác là chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức. Với giải pháp này, cách tiếp cận của ngành BHXH cần tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phục vụ người tham gia BHXH với các sản phẩm, chế độ lợi ích phù hợp hơn, hấp dẫn hơn và đa dạng hơn. Đổi mới tư duy, cách thức phục vụ, chế độ BHXH, sản phẩm và dịch vụ BHXH sẽ là nền tảng để mở rộng mức độ tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc”- chuyên gia Lê Duy Bình phân tích.
Theo ông Bình, các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội, lao động tự làm thu nhập thấp tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ để tham gia BHXH tự nguyện. Điều này góp phần đóng góp cho việc mở rộng diện tham gia BHXH, nâng cao tính chính thức của những lao động tự làm và giúp họ tham gia thị trường lao động với vị thế được bảo vệ tốt hơn bởi lưới an sinh xã hội. Nhưng, mở rộng lao động chính thức, mở rộng BHXH còn đòi hỏi sự vào cuộc của các luật khác như Luật Thuế, Luật DN và một số luật chuyên ngành khác. Cách thức tiếp cận để mở rộng lao động chính thức do vậy cần theo nguyên tắc có tính hệ thống và cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành cũng như các văn bản pháp luật của nhiều ngành khác.
“Lao động phi chính thức hiện đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, từ góc độ tạo việc làm đến đóng góp không nhỏ cho GDP của cả nước. Trong đó, đóng góp lớn nhất của khu vực phi chính thức là tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 70% lao động đang làm việc. Để giảm bớt tình trạng lao động phi chính thức, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ BHXH, mở rộng khu vực kinh tế chính thức, nâng cao quyền của NLĐ. Cần hướng tới tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc chứ không phải là tự nguyện như hiện nay”- chuyên gia Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn số liệu phân tích, toàn quốc hiện có 53,4% lao động phi chính thức là người làm công ăn lương (tương ứng 9,6 triệu người), có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (trong đó 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương), trong khi đó chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.
Bên cạnh đó, tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị trí việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, chỉ có 1,7% lao động chính thức không được ký HĐLĐ, thì có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một HĐLĐ bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm.
Theo ông Lợi, đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH (chiếm tỷ lệ tới 97,9%), chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có BHXH bắt buộc lại rất cao (80,5%). Thực tiễn này cho thấy, lao động khu vực phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi, vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động.
"Ví dụ, đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan tới điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội. Thêm vào đó, tiếng nói của lao động khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách. DN trong nền kinh tế chính thức phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ khu vực phi chính thức, do giá cả hàng hóa và dịch vụ được cắt giảm, bởi họ không đóng góp vào BHXH cũng như thuế. Vì vậy, vấn đề bảo vệ lao động phi chính thức được tham gia BHXH, BHYT cần phải tiếp tục được đẩy mạnh”- ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Tại Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị 7 nội dung liên quan nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức khi sửa đổi một số luật. Đơn cử như: Cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ (Luật Việc làm); đẩy mạnh phát triển chương trình BHXH tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức (Luật BHXH)…