Quyết tâm của tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe thành phố Hải Phòng đã làm nên điều kỳ diệu: Chỉ với 09 con người, đã hoàn thành việc triển khai thí điểm chính sách BHYT trên địa bàn toàn thành phố Hải Phòng.
Mặc dù mới chỉ triển khai thí điểm nhưng tỷ lệ học sinh tham gia BHYT của Hải Phòng đã đạt rất cao. Sau này, khi đọc báo cáo tham luận tại các Hội nghị hay chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp các tỉnh bạn, các anh chị đã nói rất thật, rất chân thành: Hải Phòng có bao nhiêu trường học thì anh Thắng và các đồng nghiệp đều nắm rõ ai là hiệu trưởng của trường nào và thậm chí là… nhà các hiệu trưởng ở đâu.
Cuộc họp cán bộ chủ chốt các xã trong toàn huyện Vĩnh Bảo để triển khai BHYT năm 1991
Chẳng phải biết nhà hiệu trưởng để đi “cửa sau” mà bởi vì ở trường, các thầy, cô hiệu trưởng nhiều khi rất bận, mình đang nói dở câu chuyện thì có khách. Thầy cô bận rộn, tư tưởng phân tán nghe câu được, câu chăng. Mình đến nhà, nói chuyện công việc nhưng lại là tình cảm, thời gian cũng thoải mái, câu chuyện rõ nét hơn. Hiệu trưởng nắm chắc chủ trương, đường lối, hiểu chính sách sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh. Có những lần để đợi gặp được một thầy hiệu trưởng, anh Thắng đã ngồi ở quán, uống… 20 cốc trà. Hay có một trường khác, vận động mãi rồi, chủ trương đường lối đã thấm nhuần nhưng không có học sinh tham gia vì thầy hiệu trưởng chưa hiểu hết, vẫn có quan niệm việc bán BHYT là của BHYT, không phải nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Cả phòng khai thác đều lắc đầu. Anh Thắng quyết định dùng con đường tình cảm. Nhân dịp thầy hiệu trưởng vào nhà mới, thay mặt cơ quan, chúng tôi mang tặng thầy và gia đình một chậu cây cảnh (khi đó rất rẻ) với ý nghĩa: “trồng cây như trồng người”.
Nhận món quà đầy thâm ý từ cơ quan Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe thành phố, thầy Hiệu trưởng chợt nghĩ: chính sách BHYT chăm sóc phần thể chất của con người còn giáo dục chăm sóc phần tinh thần. Cả hai nghề đều là vì con người, tại sao mình lại không ủng hộ. Từ năm đó trở đi, năm nào trường thầy cũng đạt 100% học sinh tham gia BHYT… Những kinh nghiệm ấy không phải cứ nghe mà thực hiện được, phải là người rất tâm huyết, rất trách nhiệm với công việc mới có thể và có đủ kiên nhẫn để thực hiện.
Tuyên truyền chính sách, khó nhất là gì? Dân trí thấp, nói mãi cũng sẽ hiểu, giống như mưa dầm thì thấm đất. Từ kinh nghiệm thực tiễn, anh Thắng và các đồng nghiệp nhận thấy tuyên truyền chính sách khó nhất là phải đi tuyên truyền… lại. Tức là đối tượng mình đã tuyên truyền, người ta đã tham gia nhưng đến khi thẻ BHYT hết hạn người ta không tham gia tiếp và mình phải tuyên truyền lại. Những trường hợp này chủ yếu là do bức xúc vì thái độ phân biệt đối xử của nhân viên y tế trong khám, chữa bệnh… Đã có những trường hợp cả cơ quan, xí nghiệp dừng tham gia BHYT vì một vài người trong đơn vị gặp phiền toái khi đi khám, chữa bệnh. Đích thân đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe và Trưởng phòng khai thác phải xuống tận nơi, gặp gỡ công nhân giải thích và cam kết người tham gia BHYT phải được tiếp đón tận tình, phục vụ chu đáo. Những ý kiến phản ánh của công nhân được tập hợp gửi lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các Bệnh viện có phản ánh để xem xét, giải quyết…
Những văn bản đầu tiên khởi nguồn cho sự hình thành chính sách BHYT ở nước ta
Mải theo dòng hồi tưởng, anh Thắng không nhận thấy xe đã đi ra đến ngoại thành. Những thửa ruộng xanh mướt hai bên đường đã thay thế cho những dãy nhà san sát. Lạ chưa, vị nước mưa hình như càng lúc càng bớt vị mặn chát, thay vào đó là vị ngọt mát, y như thứ nước mưa người dân thôn quê vẫn hứng từ bẹ cau vào bể ngầm để dành nấu ăn quanh năm. Anh Thắng chặt lưỡi, khẽ à lên một tiếng: Thì càng ra ngoại thành, xa khói bụi của ống khói nhà máy, không khí trong lành hơn, nước mưa vì thế cũng tinh khiết hơn. Vừa nhấm nháp giọt nước mưa táp vào mặt, anh Thắng vừa tăng tốc, thầm nhẩm lại trong đầu những điều sẽ nói. Trụ sở UBND huyện Tiên Lãng đã dần hiện ra trước mặt. Vào đến phòng, còn chưa đầy 10 phút nữa là đến giờ họp, đội ngũ cán bộ chủ chốt của các xã và các phòng, ban được huyện triệu tập đã có mặt đông đủ. Nghe mọi người nói, bão đã vào đến Đồ Sơn. Vâng, bão đã vào đến Đồ Sơn nhưng bão không thể cản được bước chân mở đường của những người cán bộ chính sách BHYT!.
Hội nghị hôm đó rất thành công. Với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng, đội ngũ cán bộ chủ chốt các phòng, ban và các xã, Tiên Lãng đã trở thành địa bàn thứ ba (sau Thủy Nguyên, An Lão) triển khai thành công chính sách BHYT với tỷ lệ tham gia cao ở cả 04 nhóm đối tượng.
Từ thực tiễn triển khai thí điểm tại Thủy Nguyên và thành công trong việc mở rộng BHYT tại An Lão, Tiên Lãng, Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng đã rút ra những kinh nghiệm quý báu trong quá trình triển khai: Trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, phải gần dân, hiểu dân, cung cấp những thông tin người dân muốn biết. Ngoài biện pháp tuyên truyền trực tiếp là chủ đạo, cần triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền khác (qua tờ rơi, tờ gấp, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở). Tranh thủ sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã vì đây là đội ngũ gần dân nhất. Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và cán bộ, viên chức, công nhân, người lao động, cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức quản lý đối tượng trong công tác tuyên truyền.
Để tạo được sức thuyết phục, cần có những ví dụ về người thật, việc thật về những người đã ốm đau phải đi khám, chữa bệnh có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT để khẳng định hiệu quả và tác động của chính sách. Giải quyết kịp thời những vướng mắc trong khám, chữa bệnh BHYT để giữ vững niềm tin của nhân dân với chính sách của Đảng và Nhà nước. Quan trọng hơn cả, đó chính là tâm huyết, trách nhiệm của mỗi cán bộ làm chính sách BHYT. Có tâm huyết, có trách nhiệm, trong khó khăn sẽ giúp ta trăn trở tìm ra những giải pháp tốt để hoàn thành nhiệm vụ…
Quyết tâm của tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe thành phố Hải Phòng đã làm nên điều kỳ diệu: Chỉ với 09 con người, đã hoàn thành việc triển khai thí điểm chính sách BHYT (một chủ trương lớn trong đổi mới chính sách y tế của Đảng và Nhà nước) trên địa bàn toàn thành phố Hải Phòng. Đây chính là tiền đề thực tiễn quan trọng để Bộ Y tế có cơ sở tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 299/HĐBT ngày 15/08/1992 kèm theo Điều lệ BHYT (cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên về BHYT).
Đến hôm nay, chính sách BHYT của Nhà nước ta đã có một bước phát triển vượt bậc. Luật BHYT đã được ban hành, mục tiêu BHYT toàn dân đã dần thành hiện thực với gần 90% dân số có BHYT, góp phần bảo đảm An sinh xã hội theo định hướng của Đảng. Trong lịch sử BHYT Việt Nam, những người như anh Chi, anh Thắng, chị Dung và rất nhiều anh chị khác… vẫn luôn được ghi nhớ là những người mở đường.