Trong suốt hơn một thập kỷ, người dân thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng kể từ khi làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai xuất hiện.
Vì lợi nhuận cao...nhắm mắt làm liều
Đặt chân đến làng Khoai (thôn Minh Khai) điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là mùi khét, mùi xú uế tạo cho con người cảm giác bị choáng và buồn nôn. Dường như không có nơi nào mà không khí lại bị ô nhiễm như nơi đây, những kiện hàng lớn được xếp chồng lên nhau bên trục đường chính kéo dài vào trong từng con ngõ nhỏ như một dãy núi rác khổng lồ.
Trong vai người đi xin việc, chúng tôi tìm đến một số xưởng tái chế nhựa, những công nhân tại đây cho biết: “Nguồn gốc của những kiện hàng để làm nguyên liệu cho tái chế không chỉ mua ở trong nước mà còn được nhập ở nước ngoài chuyển về như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... tất cả những kiện hàng này được chuyển về thôn Minh Khai bằng những xe container. Sau khi nhận kiện hàng chúng tôi phải phân ra làm nhiều loại rồi mới đem thau rửa qua một số công đoạn mới ra sản phẩm mới”.
Cả thôn Minh Khai bị bao phủ bởi khói thải
Những người công nhân này cho biết thêm: “Làm cái nghề này tuy độc một chút nhưng lương cao, mỗi ngày bình thường cũng được 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng, đấy là không kể những người đứng tạo (chạy máy) làm cứng biết việc ngày cũng được từ 300 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/người một ngày, tùy vào thời gian và tay nghề. Ban đầu không quen thì cảm thấy khó thở nhưng làm một thời gian thì quen cả, cả làng này gần như tất cả đều làm nghề".
Nhiều người đã kể lại với chúng tôi về những tai nạn đáng tiếc trong lúc làm việc. Tai nạn xảy ra chủ yếu ở khâu đứng máy, đây là công đoạn nguy hiểm và vất vả nhất, đã có nhiều người nhẹ thì chỉ bị mất ngón tay còn nặng thì cả bàn tay. Còn có người trong lúc cho máy "ăn hàng" đã bị máy cuốn cả tóc vào, may mắn có người phát hiện kịp và được cứu nhưng bị mất cả một mảng da đầu.
Theo những người nơi đây cho biết thì trong số những người bị tai nạn lúc làm việc không chỉ có công nhân mà chủ xưởng cũng chiếm rất nhiều, sau một thời gian bình phục họ lại bắt tay vào làm những lúc mà xưởng không thuê được công nhân đứng máy. Từ đó, mọi người có thể thấy lợi nhuận tái chế rác mang lại có sức hút rất lớn, đến mức họ bất chấp cả sức khỏe và tính mạng. Biện pháp phòng chống cháy nổ, đồ bảo hộ cho công nhân cũng không được chú trọng, mọi thứ rất sơ sài.
Kênh nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối
Trong lúc ngồi nghỉ tại một quán nước chỉ cách thôn Minh Khai chừng hơn 200 mét, chủ quán cho biết: “Ở đây đã nhiều lần các cấp chính quyền trên tỉnh về đo đạc mức độ ô nhiễm nhưng rồi vẫn không thấy xử lý gì cả. Mới đây, thì có dự án xây dựng làng nghề tập trung do công ty 391 làm chủ dự án nhưng rồi chẳng biết ra sao chứ dân khu vực này chịu ảnh hưởng ô nhiễm rất nhiều không chỉ từ khí thải mà cả nguồn nước".
Sau một hồi lòng vòng trong các con ngõ nhỏ chất đầy phế liệu để tìm hiểu về quy trình tái chế rác và ảnh hưởng về sức khỏe của những công nhân khi làm công việc này, chúng tôi đã bị một số người nghi ngờ. Khi hỏi sâu về quy trình tái chế một công nhân đang vui vẻ cho biết thì có một người đến cố ý chuyển sang vấn đề khác vì họ rất cảnh giác với báo chí.
Nước thải của các xưởng trực tiếp đổ ra môi trường lênh láng ngập cả đường đi
Chất thải độc hại tàn phá sức khỏe người dân
Trước đó, câu chuyện về một làng nghề tái chế chì ở Đông Mai (Văn Lâm, Hưng Yên) gây tác hại đến môi trường và sức khỏe của con người cũng đã được báo chí phản ánh. Tuy nhiên dường như bấy nhiêu đó chưa đủ, người dân làng Khoai bằng cách này hay cách khác, họ vẫn vô tư làm những công việc độc hại, miễn sao kiếm được đồng tiền để nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo phản ánh của người dân sống trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, số lượng người mắc bệnh về đường hô hấp và tim mạch và các bệnh ngoài da tăng cao trong những năm gần đây. Vì hàng ngày phải hít vào trong cơ thể thứ khí độc mà mọi người kháo nhau là chất dioxin.
Bà Lan, thôn Ngọc Quỳnh thị trấn Như Quỳnh bức xúc cho biết: “ Môi trường ở đây thì quá ô nhiễm không phải bàn cãi gì nữa, hàng ngày người dân chúng tôi phải hít thứ chất độc mà người ta kháo nhau là chất độc dioxin do quá trình tái chế nhựa của làng Khoai thải ra. Đã có rất nhiều người trong thôn thường xuyên bị mắc những căn bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da... nguy hiểm hơn trong những năm gần đây số người chết vì ung thư cũng tăng cao. Trẻ con thì ho suốt ngày, uống thuốc khỏi được hai ba ngày lại ho, người lớn cứ 10 người thì phải đến 9 người mắc bệnh về đường hô hấp, cứ thấy ho hay bệnh ngoài da là đi mua thuốc về tự chữa, nhiều người ở đây mắc bệnh nhưng không đi viện để chữa trị vì hoàn cảnh khó khăn”.
Bà Lan cho biết thêm: "Để đối phó với thứ khí độc chết người của làng Khoai, chúng tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa, có nhà hai ba lớp cửa kính để ngăn cho khói không thể tràn vào nhà. Những lúc đang ngồi ăn cơm mà mở cửa ra thì hầu như ai cũng không muốn ăn vì mùi khét khó chịu khiến buồn nôn và đành bỏ dở bữa ăn".
Không chỉ có không khí bị ô nhiễm mà ngay cả nguồn nước nơi đây cũng bị đầu độc bởi thứ nước thải đen kịt đôi khi còn có màu đỏ mà thấy người làm trong các xưởng tái chế kể là nước bom (nước giặt từ những vỏ bao đựng thuộc nổ), những lúc chảy không kịp thứ nước đen kịt đấy tràn cả lên ruộng làm chết hoa mầu, có khi tràn cả vào nhà làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt.
Ttheo tìm hiểu của PV nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị bỏ hoang từ lâu mà nguyên nhân là do nước thải của làng nghề Minh Khai tràn lên ruộng gây chết lúa và hoa màu, đã nhiều lần người dân trồng lại nhưng không thể phát triển. Nếu tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang kéo dài, người dân sẽ gặp khó khăn về kinh tế và con đường trở lại cái nghèo đang hiện hữu trước mắt người dân nơi đây.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Văn Thành (56 tuổi) người dân thôn Ngọc Quỳnh, TT. Như Quỳnh (huyện Văn Lâm. Hưng Yên) bức xúc cho biết: “Tình trạng ô nhiễm do làng nghề thôn Minh Khai diễn ra đã từ lâu. Ở đây, không chỉ ô nhiễm về không khí ảnh hưởng đến các bệnh về hô hấp và tim mạch mà việc tái chế nhựa của làng nghề đã thải trực tiếp ra môi trường một lượng nước lớn chưa qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm vì nước mà các cơ sở tái chế sử dụng là nước ngầm”.
Ông Thành cho biết thêm: “Do hàng ngày tiếp xúc và hít phải thứ khí độc mà làng nghề Minh Khai thải ra nên người dân các thôn xung quanh mắc các bệnh về tim mạch và hô hấp rất nhiều. Có nhiều chị em phụ nữ ở ngay làng nghề Minh Khai sinh con đầu lòng đều bị hiện tượng vữa rau mà nguyên nhân được xác định là do hít phải thứ khi độc này trong một thời gian dài”, ông Thành ngao ngán tay chỉ về phía thôn Minh Khai.
Ống xả khói hoạt động hết công suất xả thải ra môi trường
Bà Tô Thị Kim Loan (46 tuổi) thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh cho biết: “Khói và nước thải có mùi rất khó chịu, nước thải thì chảy cả ngày còn khí thải từ những lò đốt, ép nhựa chủ yếu vào những buổi sáng và nhất là vào chiều tối. Chính vì mùi khó chịu nên nhiều nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Nước thải ra thì đen ngòm, không ai dám sử dụng nước ở con sông Ghênh. Mùi khí thải lúc nào cũng khiến cho người dân chúng tôi có cảm giác khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ và người già. Đã có nhiều đoàn về kiểm tra, đơn cầu cứu cũng được chúng tôi gửi lên các chính quyền nhưng xã không có quản lý, gửi lên huyện cũng không thấy gì.” bà Loan bức xúc chia sẻ.
Theo nguồn tin mà người dân thôn Ngọc Quỳnh cung cấp, một số cơ sở đã ngang nhiên lấn chiếm đất công để mở xưởng sản xuất, thu hẹp dòng chảy khiến cho nước thải ứ đọng tắc nghẽn.
Đã nhiều lần trong các cuộc họp cử tri, vấn đề ô nhiễm của làng Khoai được đưa ra nhưng tình hình vẫn không có tiến triển mà ngày càng nghiêm trọng khiến cho người dân sống xung quanh làng Khoai bức xúc và lo lắng cho tương lai con em họ.
Trước tình trạng ô nhiễm ở mức đáng báo động, người dân đã phản ánh lên các cấp chính quyền, họ hy vọng chính quyền địa phương tìm cách giải quyết, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Chính quyền thờ ơ với sức khỏe người dân
Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người dân, chúng tôi đã liên hệ làm việc với chính quyền cơ sở là UBND thị trấn Như Quỳnh thì được ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Vấn đề ô nhiễm môi trường của làng nghề thị trấn không chịu trách nhiệm quản lý, vấn đề này có ban làng nghề của huyện quản lý các đồng chí lên đấy để xác nhận thông tin”. Ngay sau đó, ông Thắng đã đứng dậy bỏ đi và từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Những con kênh ngập bị rác thải của làng Khoai bức tử không còn sự sống.
Như vậy chính quyền địa phương mà cụ thể trong trường hợp này là UBND thị trấn Như Quỳnh quản lý những gì, có vai trò gì, hay chỉ là những câu trả lời qua loa để trốn tránh trách nhiệm?
Ông Cao Thế Anh người phát ngôn của Phòng Tài nguyên môi trường huyện Văn Lâm cho biết: “Hiện Sở Tài nguyên môi trường, cụ thể Chi cục bảo vệ Tài nguyên và môi trường đang tiếp tục tiến hành theo dõi đánh giá. Phía huyện chỉ là cơ quan phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường tỉnh". Những thông tin mà chúng tôi được huyện cung cấp về tình hình ô nhiễm làng nghề là một tờ giấy và trong đó chỉ vỏn vẹn gần chục dòng về tình hình ô nhiễm của làng nghề Minh Khai.
Nước thải có màu đen đặc kịt
Khi mà các cấp chính quyền vẫn mải mê đá quả bóng “thôn Minh Khai” cho nhau thì sức khỏe của người dân đang hàng ngày phải chấp nhận sống trong ô nhiễm. Hậu quả của những căn bệnh nguy hiểm đang tích tụ sẽ bùng phát bất cứ lúc nào.