Suốt từ năm 2016 đến nay, cái tên Hứa Thị Phấn trở thành cơn ác mộng của các đại án liên quan đến các Ngân hàng Xây Dựng, Oceanbank…
Bà Phấn chính là mắt xích quan trọng giữa thương vụ Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm khiến hai nhân vật này phải “bóc lịch” dài dài trong tù.
Bản thân Hứa Thị Phấn cũng bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án 17 năm tù trong vụ án lừa 500 tỷ đồng liên quan đến Hà Văn Thắm tại Oceanbank.
Và ngày 8/5 tới đây, Hứa Thị Phấn tiếp tục bị TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm với tư cách là bị cáo đầu vụ trong đại án gây thất thoát 12.000 tỷ đồng tại Trustbank.
Bị cáo Hứa Thị Phấn. Ảnh Đào ngọc Thạch
Theo hồ sơ vụ án, Hứa Thị Phấn sinh năm 1947 (được biết đến với tên gọi Sáu Phấn) quê ở An Giang. Sau một thời gian lăn lộn trên thương trường, năm 2001, Sáu Phấn quyết định làm ăn lớn và thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
Khi Nhà nước có chủ trương quy định các ngân hàng phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể. Nắm bắt chủ trương này, khi biết Trustbank chỉ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng đang rất cần tăng vốn, bà Phấn lập tức nhảy vào tham gia mua cổ phần của Trustbank bằng nhiều thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn “lấy mỡ rán mỡ” để tăng vốn điều lệ ngân hàng này.
Theo đó, bà Phấn đã nhờ 29 đối tượng là người thân, quen đứng tên vay hơn 3.581 tỷ đồng tại Trustbank. Sau đó, bà Phấn góp ngược 2.000 tỷ đồng vay của Trustbank mua lại 84,92% cổ phần để thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. Số tiền vay còn lại 1.581 tỷ đồng bà Phấn sử dụng với mục đích cá nhân.
Điều đáng nói, tài sản thế chấp cho khoản vay 3.581 tỷ đồng trên chủ yếu là hai miếng đất nông nghiệp: 9ha đất trồng cây lâu năm tại quận 2 và 24ha đất trồng lúa tại huyện Nhà Bè, TP HCM. Đất tại đây có giá khoảng 200.000 đồng/m2 đã nhưng đã được định giá thành 8 - 32 triệu đồng/m2. Việc định giá tài sản lên cao gấp 400 lần đã giúp Hứa Thị Phấn góp vốn thành công tại Trustbank.
Với thủ đoạn một mũi tên trúng nhiều đích, bà Phấn vừa trở thành người nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Trustbank, và cũng kịp đút túi hơn hàng ngàn tỷ đồng trở thành nữ đại gia ngân hàng chỉ trong chớp mắt.
Sau khi chiếm quyền sở hữu Trustbank, bà Phấn đã cấu kết với lãnh đạo Trustbank tiếp tục lũng đoạn và “rút ruột” chính ngân hàng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Như Báo Công lý đã phản ánh, từ ngày 26/5/2010 đến ngày 12/2/2012, Trustbank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (sau đây gọi tắt là Công ty Phương Trang), tổng cộng 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu, với tổng số tiền trên sổ sách là 16.486 tỉ đồng. Sau khi tất toán 36 khoản vay, tính đến ngày 15/11/2017, Công ty Phương Trang còn dư nợ 25.941 tỉ đồng, bao gồm dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng và dư nợ lãi 16.504 tỉ đồng.
Thực tế, theo Cáo trạng của VKSNDTC, đối với khoản vay của Công ty Phương Trang, trong tổng số 16.486 tỉ đồng Trustbank giải ngân trên sổ sách đối với 82 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ trước tới nay, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận được 3.936 tỉ đồng. Số còn lại hơn 5.000 tỉ đồng, Hứa Thị Phấn đã “phù phép” bỏ túi riêng.
Để che đậy các hành vi phạm tội của mình, bà Phấn đã dùng thủ đoạn chỉ đạo, tổ chức các chân rết đang giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng từ chủ tịch, tổng giám đốc cho đến kế toán, kho quỹ ngụy tạo hồ sơ khống để lấp vào những lỗ hổng đã bị rút ruột từ những năm trước của bà Hứa Thị Phấn tại Trustbank. Song song đó, bà Phấn chỉ đạo các cựu lãnh đạo tại Trustbank đẩy cục nợ này sang cho Công ty Phương Trang.
Bên cạnh đó, Hứa Thị Phấn và đồng phạm còn “mua qua, bán lại” nâng khống giá trị tài sản lên hàng ngàn tỷ đồng rồi bán cho Trustbank để “rút ruột”. Cáo trạng số 44 ngày 10/3/2018 của VKSNDTC nêu rõ rằng, Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ Trustbank, đã nắm giữ chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng này. Theo đó, bị cáo Phấn đã thực hiện và chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho Trustbank hơn 12.000 tỷ đồng thông qua 5 hành vi gồm: Nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Trustbank, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho Trustbank 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu khống gây thiệt hại 5.256 tỷ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng và nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Trustbank để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.024 tỷ đồng.
Như nêu trên, ngay từ 29 hồ sơ vay của những người đứng thay bà Phấn, được thế chấp chủ yếu là đất nông nghiệp tại quận 2 và huyện Nhà Bè với giá từ 200 nghìn đồng/m2 đã được Trustbank nâng khống lên để thế chấp cao gấp 400 lần giá trị thực, từ 8 - 32 triệu đồng/m2. Sau đó, 29 đối tượng này ủy quyền cho bà Phấn dùng số tiền này góp vốn vào Trustbank, tương đương 84,92% vốn điều lệ. Đây là một thủ đoạn tinh vi để vừa thâu tóm cổ phần của ngân hàng, vừa “rút ruột” ngân hàng.
Chỉ trong vòng 3 năm từ 2007 -2010, với chiêu trò của mình, Hứa Thị Phấn từ một doanh nghiệp mới thành lập được chưa đầy mười năm đã trở thành bà chủ của ngân hàng, nữ đại gia ngàn tỷ, quyền lực.
“Lưới trời tuy thưa nhưng khó thoát”, hành vi của Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã bị pháp luật “sờ gáy”. Bản thân bị cáo vừa bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án 17 năm tù trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Hai cựu lãnh cao cấp tại Trustbank ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam được bà Phấn đưa về làm lãnh đạo, cũng vừa bị kết án 6 và 7 năm tù vì cho hai công ty của Phạm Công Danh vay dưới sự chỉ đạo của Hứa Thị Phấn. Hứa Thị Phấn cũng là người đưa hàng loạt họ hàng, bà con thân cận vướng vào vòng lao lý trong đại án hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ được TAND TP HCM đưa ra xét xử vào ngày 8/5/2018.