Với những bước tiến của ngành sản xuất trong quý 2/2014, HSBC cho rằng ngành này đang là ngôi sao sáng của nền kinh tế Việt Nam và GDP trong quý 2 gia tăng cũng chính nhờ sản xuất.
HSBC cho rằng nền kinh tế đã đi qua thời kỳ suy giảm của cầu nội địa khá tốt nhờ vào kết quả xuất sắc của hoạt động xuất khẩu. Trong quý 2, sản lượng sản xuất tăng từ mức 6.5% của quý 1 lên 9.1% so với cùng kỳ năm ngoái (Bảng 1). HSBC dự đoán lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục tăng nhờ vào đầu tư tăng, các hiệp ước thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu nhiều khả năng sẽ được gút lại vào cuối 2014 và lực cầu bên ngoài sẽ cải thiện tốt hơn.
Ngành dịch vụ có giảm sút nhưng vẫn khá mạnh nhờ vào mức thu nhập đang tăng lên và yếu tố nhân khẩu học đang được cải thiện. Theo HSBC, nếu lòng tin vào nền kinh tế được cải thiện thì ngành dịch vụ và xây dựng sẽ hồi phục, góp phần vào tăng trưởng GDP trên mức 7%.
Tuy nhiên, trong vòng 2 năm tới, các kịch bản kinh tế cơ bản của HSBC vẫn cho thấy tăng trưởng sẽ ở dưới mức xu hướng khá nhiều. Sự trì trệ trong đầu tư công và cải cách ngành ngân hàng cũng như các công ty quốc doanh đã ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 1.3%. Theo đó, HSBC dự đoán tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn vào nửa cuối 2014, thúc đẩy cầu nội địa tăng nhẹ. Lạm phát cũng sẽ tăng vào đầu quý 3/2014 do chi phí dịch vụ cao hơn và lực cầu nội địa được cải thiện nhưng có thể chỉ ở quanh mức 5%-6% vào cuối năm. Nhờ đó mà NHNN sẽ tự tin giữ lãi suất trên thị trường mở ở mức 5% cho đến hết năm.
Tuy tăng trưởng sẽ còn chậm trong ngắn hạn, Việt Nam có thể hồi phục tốt trong trung hạn. Các kế hoạch như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Châu Á Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp loại bỏ các rào cản giao thương và đẩy mạnh tính cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam trên toàn cầu. Chính phủ đang từ từ dỡ bỏ các rào cản thương mại nội địa với việc đầu tư cơ sở hạ tầng có định hướng hỗ trợ thương mại và dòng chảy bán lẻ nội địa.
Vấn đề còn lại là khung pháp lý cho cải cách khu vực công, doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng và việc thực thi khung pháp lý này. Hiện nay, cải cách đang được tiến hành theo kiểu 2 bước tiến và 1 bước lùi, thể hiện quyết định chưa rõ ràng của Chính phủ đối với vai trò của khối nhà nước trong một nền kinh tế toàn cầu hóa ngày càng cao.
Bảng 1: Ngành dịch vụ và sản xuất đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng Chú thích các lĩnh vực, ngành (từ trên xuống: GPD, Nông, Lâm và Ngư nghiệp, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Công nghiệp và Xây dựng, Công nghiệp, Khai thác mỏ và khai thác đá, Sản xuất, Điện và Khí gas, Cung cấp nước, Rác Thải, Xây dựng và Dịch vụ) Nguồn: Bloomberg, CEIC và HSBC |
Bảng 2: HSBC - các số liệu dự báo kinh tế chính của Việt Nam |
Triệu Linh