Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, Moscow đã phải dừng các quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Tehran.
Khởi đầu thiên niên kỷ mới, Iran là quốc gia nhập khẩu lớn thứ tư hàng hóa quân sự (chiếm 6,1%) từ Rosvooruzheniye - nhà xuất khẩu vũ khí lớn của Nga như, sau Trung Quốc, Ấn Độ, và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) .
Từ năm 2001 - 2002, Nga bắt đầu cung cấp đạn dược và thiết bị cho máy bay MiG-29 và Su-24MK của Lực lượng Không quân Iran. Cũng trong năm 2001, Iran ký kết hợp đồng mua 36 máy bay trực thăng Mi-171SH của công ty xuất khẩu thiết bị quân sự Rosoboronexport với thời hạn kéo dài đến năm 2004.
Su-24MK của Lực lượng Không quân Iran
Từ năm 2000 - 2003, nhà máy sản xuất và lắp ráp máy bay Ulan-Ude đã giao cho Iran 27 chiếc máy bay trực thăng vận tải quân sự Mil Mi-171, phiên bản dân dụng.
Năm 2003, Nga giao cho Iran 3 máy bay cường kích Su-25UBK Frogfoot. Một hợp đồng cung cấp thêm 3 máy bay loại này được ký vào năm 2005.
Năm 2004, công ty Kurganmashzavod của Nga đã thu được khoảng 60 triệu USD từ việc bán cho Iran 300 xe chiến đấu bộ binh BMP-2.
Đầu năm 2005, Nga giao thêm 3 chiếc trực thăng Mi-17 cho Iran, mục đích sử dụng cho dịch vụ y tế. Cùng năm này, một hợp đồng về cung cấp đạn pháo có điều khiển Krasnopol-M được ký kết.
Tháng 12/2005, Nga và Iran ký hợp đồng trị giá 1,4 triệu USD về mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga, bao gồm 29 hệ thống tên lửa Tor-M1 SA-15 Gauntlet SAM.
Moscow cũng ký hợp đồng về nâng cấp máy bay cho Lực lượng Không quân Iran. Theo các thông báo không chính thức, Nga cam kết sẽ sửa chữa và nâng cấp 24 máy bay ném bom Su-24 theo một thỏa thuận trị giá 300 triệu USD. Ngoài ra, hợp đồng cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Iran cũng đã được ký kết.
Cuối tháng 12/2006, Nga giao cho Iran 29 hệ thống tên lửa Tor-M1 SAM. Tháng 12/2007, Moscow hoàn thành việc bàn giao 1.200 tên lửa 9M331 Tor, cùng tất cả các phụ tùng, trang thiết bị đi kèm.
Hệ thống tên lửa Tor-1 và S-300V SAM
Mặc dù không chính thức công nhận, nhưng Rosoboronexport được biết đã dàn xếp vụ bán cho Iran 200 động cơ đa nhiên liệu V-84MS, được sản xuất tại Nhà máy Chế tạo Máy kéo Chelyabinsk, với giá khoảng 200 triệu USD. Theo nhiều nguồn tin, quân đội Iran cũng lên kế hoạch lắp ráp động cơ cho xe tăng chiến đấu chủ lực Zulfiqar. Xe tăng Zulfiqar được thiết kế dựa trên mẫu xe tăng T-72C của Nga và được sản xuất tại Iran theo giấy phép của Nga.
Năm 2007, Nga đồng ý bàn giao 5 tổ hợp tên lửa S-300PMU-1/SA-20 Gargoyle SAM cho Iran với giá khoảng 800 triệu USD.
Ngày 09/6/2010, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Nghị quyết áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Iran bao gồm lệnh cấm đi lại và những hạn chế tài chính đối với những cá nhân hoặc nhóm có liên hệ với các hoạt động hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo Iran, kể cả với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, và Công ty Hàng hải của nước cộng hòa Hồi giáo này.
Với lệnh cấm bán vũ khí hiện đại cho Iran được thông qua trong nghị quyết trừng phạt Tehran mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra, là một thành viên, Nga đã phải dừng tất cả quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Iran.
Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Theo đó, tất cả các thương vụ trang thiết bị quân sự, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí cho Iran từ bên ngoài biên giới nước Nga bằng máy bay hoặc tàu hoạt động dưới lá cờ Liên bang Nga đều bị cấm.
Các sản phẩm quân sự bị cấm theo Cơ chế Đăng ký Vũ khí thông thường của Liên hợp quốc bao gồm hầu hết tất cả các mẫu hệ thống vũ khí thông thường như xe tăng, xe bọc thép quân sự, pháo nòng cỡ lớn, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng quân sự, tàu chiến, tên lửa và hệ thống tên lửa. Phụ tùng thay thế, phần cứng và phần mềm thiết yếu để duy trì hoạt động của các trang thiết bị quân sự này cũng nằm trong danh mục cấm.
Cơ chế này không cấm các vụ bán vũ khí hạng nhẹ, pháo bộ binh và súng cối trường với cỡ nòng dưới 100mm, máy bay trực thăng vận tải, súng phòng không, xe quân sự, và một số hệ thống khác được xếp loại “tầm trung”.
Hiện tại, Nga đã hạn chế các thương vụ bán vũ khí và dịch vụ quân sự cho Iran, bởi nền công nghiệp quốc phòng của Tehran mới đây được thông báo là “đã có khả năng tự cung tự cấp”.
Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới (CAWAT) ước tính Nga đã mất cơ hội nhận được từ 11 - 13 tỉ USD trong các thương vụ kỹ thuật thuât sự với Iran trong một vài năm qua. Con số này bao gồm cả việc chuyển giao theo các hợp đồng được ký kết trước khi Tehran bị cấm vận vũ khí. Ước tính cũng gồm các khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ liên quan đến chương trình đang diễn ra thì các thương vụ vũ khí bị chấm dứt.
Theo ước tính của CAWAT, Nga có cơ hội nhận được 1,8 - 2,2 tỉ USD cho vũ khí phòng không, 2,2 - 3,2 tỉ USD cho vũ khí hải quân, 3,4 - 3,7 tỉ USD cho máy bay và các loại vũ khí liên quan, 2,1 - 2,5 tỉ USD cho vũ khí mặt đất, và thêm 200 - 250 triệu USD cho phụ tùng thay thế, trang thiết bị, các hợp đồng, sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên, hỗ trợ hậu cần.
Báo cáo của CAWAT cũng cho biết Nga đã mất một khoản 200 triệu USD liên quan đến việc bán hệ thống thông tin liên lạc không gian và các vệ tinh quan sát mặt đất.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 SAM
Một hợp đồng hệ thống tên lửa S-300 SAM giữa Nga và Iran cũng đã bị hủy bỏ sau lệnh trừng phạt Tehran của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Sau khi hợp đồng bị hủy bỏ, Iran đã kiện Rosoboronexport lên Tòa án Trọng tài thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Geneva, Thụy Sỹ. Phía Nga đưa ra giải pháp hòa giải, hứa sẽ cung cấp thêm các hệ thống tên lửa Tor-M1E SAM sau đó, nhưng không ấn định ngày cụ thể.
Tháng 10/2011, Nga bàn giao cho Iran một Hệ thống trinh sát điện tử mặt đất 1L222 Avtobaza. Đây là thương vụ mua bán kỹ thuật quân sự chính thức đầu tiên được ghi nhận kể từ sau khi lệnh trừng phạt được thực hiện.
Hiện tại, Nga có hai thách thức phải giải quyết nếu muốn tiếp mục bán vũ khí cho Iran.
Thứ nhất, Nga phải thuyết phục Iran rút lại vụ kiện từ Tòa án trọng tài của OSCE.
Thứ hai, Iran phải xem xét nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an bằng phương thức đối ngoại.
Giải quyết được hai vấn đề này sẽ tạo cơ hội dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an đối với Tehran, đồng thời cho phép Nga khôi phục việc bán vũ khí, trang thiết bị quân sự và hỗ trợ quốc phòng đối với Iran.