Họp báo vụ chủ quán cà phê bị khởi tố: Công an đúng hay sai sẽ chờ Tòa án quyết định

Thanh Thủy| 21/04/2016 11:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 21/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã gặp gỡ báo chí và thông tin chi tiết về vụ việc chủ quán cà phê Xin Chào bị khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép.

Chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí là Thiếu tướng Phan Anh Minh Phó Giám đốc Công an TP, Đại tá Nguyễn Minh Thông Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT.

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết sau khi báo chí đăng tải, Công an TP.HCM đã tổ chức hai tổ công tác độc lập để nghe Công an huyện Bình Chánh báo cáo và kiểm tra, đánh giá hồ sơ, tài liệu chứng cứ liên quan tới vụ án chủ quán cà phê Xin Chào bị xử lý hình sự tội kinh doanh trái phép.

Tối 20-4, Công an TP.HCM đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM và lãnh đạo Bộ Công an về vụ án trên.

Họp báo vụ chủ quán cà phê bị khởi tố: Công an đúng hay sai sẽ chờ Tòa án quyết định

Công an TP Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí thông tin về vụ án liên quan đến quán cà phê Xin Chào. Ảnh: Gia Minh/Tuổi trẻ

Về diễn biến của vụ án, ông Minh tóm tắt: Ngày 8/8/2015, ông Tấn khai trương quán cà phê Xin Chào ở đối diện trụ sở mới của Công an huyện Bình Chánh. Quán của ông Tấn kinh doanh các mặt hàng: bán nước giải khát, thức ăn sáng, ăn trưa. Đến ngày 13/8, Công an huyện Bình Chánh có kiểm tra điểm kinh doanh này và ghi nhận vi phạm về kinh doanh chưa có giấy phép. 

Đến ngày 17/8/2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục phát hiện thêm 4 sai phạm khác và đã ra quyết định xử phạt đối với quán cà phê Xin Chào về 5 hành vi vi phạm. Quyết định được ký ngày 18/8. Sau khi có quyết định xử phạt, ông Tấn đã chấp hành và nộp phạt đúng quy định.

Sau đó, theo giấy hẹn ngày 19/8, ông Tấn được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (GPKD) hộ cá thể và ông Tấn cũng tự đi làm thủ tục hướng dẫn kiến thức nhân viên. Đến ngày 4/9, ông Tấn nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (GCN VSATTP). Tuy nhiên, hồ sơ này chưa đủ thủ tục về diện tích, khoảng cách khu vực chế biến thực phẩm, quy trình chế biến một chiều (đầu vào, đầu ra đi theo một chiều).

Hồ sơ được tiếp nhận theo cơ chế một cửa một dấu, văn phòng tiếp nhận chuyển phòng Y tế nhưng Phòng y tế không đồng ý cấp giấy chứng nhận do không đủ điều kiện.

Ngày 10-9-2015, Công an H.Bình Chánh phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra lần hai, do không có GCN VSATTP nên ông Tấn được coi là tái phạm. Đây là cơ sở để ra quyết định khởi tố ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép.

Theo ông Minh, trước năm 2006, Bộ Y tế đã có quy định danh mục các thực phẩm có nguy cơ cao. Công an huyện Bình Chánh đã thảo luận nhiều lần và thống nhất với Phòng Y tế huyện Bình Chánh. Trong GPKD có ghi rõ: “Không kinh doanh rượu. Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” . Do vậy, trong trường hợp này, ông Tấn phải có GCN VSATTTP và ông Tấn nhận thức rõ nhưng vẫn kinh doanh khi chưa có GCN này.

Họp báo vụ chủ quán cà phê bị khởi tố: Công an đúng hay sai sẽ chờ Tòa án quyết định

Giấy phép ĐKKD của ông Tấn đã ghi rõ yêu cầu. Ảnh: Pháp luật TP Hồ Chí MInh

Ông Minh cho biết hiện TAND huyện Bình Chánh đã lên lịch xét xử vụ án. Cũng theo ông Minh, nếu Toà án kết luận Công an Bình Chánh có sai sót  thì Công an TP sẽ căn cứ vào đó để xử lý theo chỉ đạo của Bí thư thành ủy.

Theo hồ sơ, tới nay, sau khi có kết luận điều tra, ông Tấn không có khiếu nại. Cũng không khiếu nại cáo trạng nhưng lại "mượn" cơ quan truyền thông.

"Chúng ta không làm thay Toà án. Phải tuân theo luật pháp. Khi đọc vụ án, tôi cũng có những bứt rứt, nhưng phải tôn trọng Toà án. Hiện dư luận rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo. Bí thư thành ủy có chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND kiểm tra", ông Minh nói.

Theo ông Phan Anh Minh, thẩm quyền xem xét đính chính, rút cáo trạng là thẩm quyền của VKS. Bộ trưởng Công an cũng chỉ đạo đề xuất phương án, nhưng Công an báo cáo phải tham vấn VKS TP chứ Công an TP không đưa ra được phương án.

Họp báo vụ chủ quán cà phê bị khởi tố: Công an đúng hay sai sẽ chờ Tòa án quyết định

Thiếu tướng Phan Anh Minh chủ trì buổi họp báo

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng giải thích về điều 159 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội kinh doanh trái phép. Ông cho rằng đây là tội ít nghiêm trọng, hình phạt chỉ là phạt tiền hoặc không giam giữ.

Điều luật này đã được Quốc hội bỏ từ 1-7-2016, trừ một số trường hợp được quy ra các tội danh khác. Thực tế hành vi kinh doanh không đăng ký hầu hết không bị xử lý hình sự, mà chỉ xử lý hành chính.

Tuy nhiên, Nghị Quyết 109 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại quy định một số điều không có quy định áp dụng ngay.

"Do đó, nếu nói vụ án này giải quyết như thế nào thì tôi khó tìm ra căn cứ để kết thúc. Nếu bị tuyên có tội, ông Tấn không bị cản trở kinh doanh. Vì cao lắm là cải tạo không giam giữ nên chúng ta không nên làm cho phức tạp", ông Minh nói.

Ông Minh cũng đề nghị báo chí "không tốn nhiều công sức, giấy mực cho vụ án này".

Trả lời câu hỏi hành vi của ông Tấn có nghiêm trọng, nguy hiểm tới mức Công an huyện Bình Chánh phải kiểm tra, xử lý cấp tập như cao điểm tấn công trấn áp tội phạm như vậy hay không? Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện rất nóng. Loại vi phạm này, Công an TP có giao chỉ tiêu. Phần được xử lý về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm nhiều hình thức, mức độ, trong đó có xử lý hành vi kinh doanh trái phép".

Tuy nhiên, Tướng Minh cũng thừa nhận, tính chất vi phạm của ông Tấn là không lớn, luật cũng quy định không cần cách ly và tới đây khi áp dụng BLHS mới, hành vi này không còn bị xử lý.

Về vấn đề dư luận đánh giá Công an có dấu hiệu lạm quyền, quá trình kiểm tra có lập đoàn liên ngành hay không? Tướng Minh cho biết: "Đến nay không có cơ sở nói Công an huyện Bình Chánh lạm quyền. Tuy nhiên, Trưởng Công an huyện Bình Chánh trả lời trước báo chí về lo ngại “cò bao vây Công an” là không thỏa đáng trong trường hợp này.

Trước câu hỏi dựa vào cơ sở nào để xác định ông Tấn tái phạm về hành vi kinh doanh không phép? Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết: "GCN VS ATTP có phải là giấy phép riêng hay không tôi không có ý kiến thêm. Một số tình tiết bên lề, quy trình UBND huyện Bình Chánh giải quyết vụ việc từ 4-9 đến 25-9-2015 thuộc các trình tự thủ tục hành chính của Ủy ban huyện. Tôi không phán xét nhưng cơ chế một cửa một dấu cũng có thể gây ra một số trục trặc.

Đây có thể xem là tình tiết giảm nhẹ vì ông Tấn đã thuê mặt bằng nhưng thủ tục kéo dài, không thể hoạt động kinh doanh. Cần nhớ, đến nay ông Tấn cũng không khiếu nại kết luận điều tra của Công an và cũng không khiếu nại cáo trạng". 

Báo Thanh niên hỏi: Biên bản lần thứ nhất có hành vi kinh doanh không đủ đăng ký và giấy chứng nhận, nhưng lần hai thì không có xác lập hành vi liên quan thì cơ sở nào để xử lý hình sự ông Tấn?

Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra cho biết: "Biên bản ngày 17-8-2015 có bốn hành vi. Biên bản ghi nhận sự việc ngày 10-9 có ghi hoạt động kinh doanh chưa có GCN đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phải xác định điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là ông Tấn đã đáp ứng về giấy phép kinh doanh. Riêng cái đủ, là GCN cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn thiếu".

Trả lời cho câu hỏi, liệu Công an huyện Bình Chánh có quá vội vàng trong việc xử lý hay không, Đại tá Thông nói: "Đúng là cần cân nhắc có cần thiết phải xử lý hình sự hay xử lý theo hình thức khác phù hợp. Cái này sẽ rút kinh nghiệm" và Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng cho biết: "Tôi thừa nhận xử lý của Công an huyện Bình Chánh có cứng nhắc, vội vàng, không thuyết phục. Tôi sẽ làm việc với họ sau khi có phán quyết cuối cùng của vụ án".

Báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi: Công an xác định có một số ngành nghề đặc biệt trong đó cơ sở của ông Tấn yêu cầu điều kiện cần và đủ gồm giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điêu kiện VS ATTP. Xin ông cho biết nó được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật nào?

Đai tá Nguyễn Minh Thông cho biết: Căn cứ theo Thông tư 26 sau này thay thế bằng Thông tư 47. Trừ buôn bán hàng rong không phải có giấy phép kinh doanh còn lại bắt buộc phải có.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện nay có rất nhiều những cơ sở kinh doanh có sai phạm tương tự như ông Tấn, tuy nhiên bản thân ông và Công an cũng không thể thống kê hết. Trường hợp của ông Tấn là do nằm đối diện với trụ sở Công an huyện Bình Chánh nên việc phát hiện và xử lý là khá dễ dàng.

Cũng theo ông Minh, Công an TP có yêu cầu các địa phương kiểm tra tình trạng kinh doanh hợp pháp các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm như karaoke, massage, trò chơi bắn cá... Việc kinh doanh trái phép, vi phạm hành chính về cái này rất nhiều. Nhưng để xử lý hình sự hết thì rất khó.

Tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM khẳng định căn cứ để khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh là có. Tuy nhiên, theo ông Quang, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh có máy móc, vội vã trong xử lý. Sau phiên Tòa nếu phát sinh tình tiết mới, nếu có vi phạm về tố tụng của Công an huyện Bình Chánh, CATP chắc chắn sẽ xử lý.

Sáng 21/4, trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra vụ việc xử lý hình sự chủ quán cà phê “Xin Chào” (ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, nằm đối diện trụ sở mới của Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM) do kinh doanh trái phép. Nếu sai phạm ở mức hành chính thì chỉ xử lý hành chính, không nên hình sự hóa khi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc chưa cần thiết để xử lý hình sự. 

“Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đồng thời tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ khởi tố vụ án hình sự quán phở. Nếu sai phạm lớn có thể tiến hành tạm đình chỉ công tác cán bộ”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp báo vụ chủ quán cà phê bị khởi tố: Công an đúng hay sai sẽ chờ Tòa án quyết định