Nhìn cô gái trẻ cúi gằm mặt trước vành móng ngựa, không ai dám tin rằng đó là một siêu lừa. Không nhà cửa, không xe hơi, không phải doanh nhân cũng chẳng phải người có chức quyền…chỉ dựa vào tài ăn nói, Dung đã lừa nhiều con mồi vào cái bẫy "hám lời".
Mật ngọt... chết người
Sinh năm 1985 (tại phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An), bị cáo được bố mẹ đặt cho cái tên thật đẹp Nguyễn Thị Mỹ Dung. Dung được trời phú cho khuôn mặt thanh tú, nước da trắng sáng, dáng người thanh thoát và tài ăn nói như rót mật vào tai.
Học hết lớp 12, Dung không thi đại học mà quyết định rời quê hương ra Hà Nội, tìm kiếm cơ hội làm giàu trên đất Thủ đô. Nhờ ngoại hình ưa nhìn, Dung được nhận làm nhân viên tiếp thị cho một doanh nghiệp kinh doanh ở Hà Nội, Dung chịu khó đi dự nhiều cuộc đấu giá, xuất hiện ở nhiều hội nghị để làm quen tiếp xúc với nhiều người thành đạt.
Đến năm 2010, Dung liều lĩnh đứng ra ký hợp đồng giao dịch mua bán vàng với Công ty Cổ phần đầu tư và Kinh doanh vàng Quốc tế (IGI). Do trình độ không có, kinh nghiệm cũng không nên Dung thua lỗ triền miên lên tới hàng trăm triệu đồng.
"Siêu lừa" Nguyễn Thị Mỹ Dung trước vành móng ngựa
Đáng lẽ Dung phải tỉnh ra, dừng lại và tự nhìn thấy năng lực thật của mình, nhưng Dung lại đổ lỗi tại “cái số tài khoản đen đủi” nên tháng 4/2012, Dung mượn CMND của em gái lập một hợp đồng giao dịch mua bán vàng khác với Công ty IGI.
Để có tiền kinh doanh, Dung bắt đầu hành trình lừa đảo, bằng cái mác hiện có, dựa vào tài ăn nói và nhan sắc mặn mòi, cùng chiêu bài lãi cao, đến đâu, Dung cũng lấy cơ sở kinh doanh vàng ra khoe và cho biết: “Đó là nhà tôi”.
Nhiều người choáng ngợp trước vẻ sang trọng, đài các và tài sản của Dung nên hàng chục người dân ở Hà Nội “sập bẫy” với số tiền lên đến 1 tỉ 450 triệu đồng. Với số tiền này, Dung đem mua sắm cá nhân, đầu tư kinh doanh mua bán vàng nhưng tiếp tục thua lỗ. Đến hạn thanh toán, các chủ nợ bao vây phòng trọ, thúc giục nhưng Dung không có tiền trả nên quay về Vinh tìm con mồi.
Dung đã tìm đến chị Đinh Thị Kim Ch. người bạn học thời THPT trú tại phường Lê Mao, TP Vinh, hiện là cán bộ một ngân hàng ở TP Vinh và khoe rằng mình đang làm việc tại phòng Kế hoạch của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, phòng có chức năng phân bổ vé máy bay cho các đại lý cả nước, việc kinh doanh vé rất an toàn, lợi nhuận cao, thu vốn nhanh... và ngỏ ý rủ bạn góp vốn cùng mình để lấy tiền uống…cà phê. Và chỉ cần nói thế rồi Dung bay luôn ra Hà Nội không nhắc gì đến chuyện tiền nong.
Tin tưởng người bạn học, sáng hôm sau, chị Ch. gọi điện cho Dung, Dung bảo chỉ cần gửi 200 triệu cho Dung, còn lại mọi việc Dung sẽ lo. Chị Ch. liền gửi tiền cho Dung qua Ngân hàng GP Bank tại Hà Nội, 4 ngày sau, chị Ch. được Dung báo tin vui rằng chị đã trở thành cổ đông có cổ phần tại Tổng công ty hàng không Việt Nam và trở thành thành viên kiểm tra hệ thống đại lý vé máy bay của hãng Hàng không Việt Nam Airline, từ nay có bao nhiêu vốn cứ góp, lợi nhuận chia theo tỷ lệ 50/50.
Trong một thời gian ngắn, bằng các chiêu lừa khác nhau, Dung đã dụ chị Ch. gửi cho mình tổng số tiền 1 tỉ đồng và tháng đầu tiên, Dung trích từ tiền gốc ra gửi về cho chị Ch. 100 triệu đồng…tiền lãi.
Cuối năm 2012, Dung về TP Vinh nghỉ Tết, tổ chức một cuộc chiêu đãi tại khách sạn 4 sao Mường Thanh và bảo chị Ch. chọn một số bạn VIP đến cùng “hưởng lộc”. Tại bữa tiệc này, Dung thông báo số tiền đầu tư cả gốc lẫn lãi của chị Ch. đã lên đến 1,7 tỉ đồng và Dung sẽ chuyển trả cho chị Ch. để chị tự quyết định.
Cũng trong bữa tiệc, 6 khách quý được mời đến dự đã "được" Dung đã tách riêng từng người rồi rủ họ đầu tư, người ít nhất 350 triệu đồng, người nhiều nhất lên đến hơn 700 triệu mà ai cũng tưởng chỉ có mình mới được “độc quyền” đầu tư. Riêng chị Ch. từ tháng 10/2012 đến tháng 1/2013, đã có 13 lần chuyển tiền cho Dung với số tiền lên tới 2 tỉ 163 triệu đồng.
Trái đắng
Sau một thời gian, không thấy Dung nhắc gì đến gốc lãi, nhiều lần chị Ch. đòi, Dung tắt máy, chị đành nói thật với chồng. Nghe vậy, anh Lê Khắc T. (chồng chị Ch.) đã ra Hà Nội và tìm được Dung, anh phát hiện ra sự gian dối của Dung và kiên quyết đòi lại tiền. Dung gom mãi mới được 60 triệu đồng.
Bức xúc vì mất số tiền lớn, anh T. đập phá tài sản trong “nhà” Dung và bị Dung tố cáo với cơ quan chức năng. Anh bị đã bị xử phạt 17 tháng cải tạo không giam giữ về tội “phá hoại tài sản”. Còn Dung sau đó bỏ trốn và bị bắt tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Ngày Dung ra hầu tòa, ngoài bố mẹ đẻ còn có khá đông bạn bè cùng học THPT với bị cáo trước đây cũng có mặt. 17 bị hại đều là những người sang trọng, thành đạt, đi xe hơi đến. Họ sửng sốt khi nghe tòa tuyên Dung chỉ học lớp 12, không chồng con, không nhà đất, không tài sản… trong lúc các bị hại đều có trình độ Cử nhân, Thạc sỹ... Khi được chủ tọạ phiên tòa hỏi, họ nhìn nhau không sao giải thích được mình dễ bị lừa đến vậy.
Xét thấy hành vi của Dung là đặc biệt nghiêm trọng, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Dung 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Dung đã bị sự trừng trị thích đáng của pháp luật, nhưng đằng sau đó là tiếng chuông cảnh báo cho mọi người, đừng vì cái lợi trước mắt mà đặt niềm tin sai chỗ, để rồi ôm hận trong lòng.