Hỗn loạn thị trường vật liệu xây dựng dịp cuối năm

Nga Phạm| 26/12/2015 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thị trường cung cấp vật liệu xây dựng đang là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng, nhưng cùng với đó là nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành gây ra nhiều thiệt hại cho công trình khi đi vào sử dụng.

Mùa xây dựng cuối năm cũng là lúc thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) diễn ra sôi động. Các mặt hàng VLXD thuần Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt với các hãng ngoại nhập, đặc biệt các mặt hàng VLXD xuất xứ từ Trung Quốc.

Bằng những thủ đoạn tinh vi, các sản phẩm Trung Quốc đang nhái các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Ceasar, American Standard… khiến người tiêu dùng bị nhiễu loạn. Thực trạng này cũng đang khiến thị trường vật liệu xây dựng trong nước bị bóp nghẹt.

Khảo sát quanh các tuyến phố chuyên về VLXD như: Cát Linh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn… đối với mặt hàng gạch ốp lát cho thấy, hàng Trung Quốc giá bán thường rẻ hơn hàng Việt từ 20 - 40% cùng loại.

Anh Khánh Tuệ ( An Trạch, Đống Đa) cho biết: “Đa số các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhận được sự ưu tiên của người tiêu dùng. Ngoài ưu thế giá rẻ, vật liệu xây dựng có xuất xứ Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, màu sắc so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Do đó, dù muốn hay không đa số cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc”.

Bên cạnh giá rẻ, vật liệu Trung Quốc nhái mẫu mã rất nhanh. Tốc độ ra mẫu mới, màu mới của hàng trong nước luôn chậm hơn so với hàng Trung Quốc.

Một trong những sản phẩm “ngốn” không ít tiền của người tiêu dùng là thiết bị vệ sinh. Tham khảo thị trường sứ vệ sinh, dễ dàng nhận thấy sự phân chia thị trường thành các tầng sản phẩm khá cách biệt.

Hỗn loạn thị trường vật liệu xây dựng dịp cuối năm

 Sản phẩm thiết bị vệ sinh có giá đắt đỏ với kiểu dáng đẹp bắt mắt

Người nhiều tiền chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax… có giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một bộ sản phẩm.

Những sản phẩm  thuần Việt như Thiên Thanh, Dona, Viglacera, Thanh Trì, Sơn Hà…có giá phải chăng, như một bộ sản phẩm thiết bị vệ sinh của Viglacera có giá từ 8 - 10 triệu/bộ được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Có mặt tại một gian hàng thiết bị vệ sinh trên phố Cát Linh (Đống Đa), khi hỏi mua một bộ bồn rửa mặt nhãn hiệu Pusan (Hàn Quốc) cùng một mã hàng nhưng mỗi cửa hàng lại có báo giá khác nhau. Giá thành chênh lệch từ 2.000.000 – 4000.000 đồng.

Khi được hỏi vì sao có sự khác biệt về giá thành, chị Phương Anh (chủ cửa hàng) cho biết: “Mẫu mã sản phẩm tuy có sự giống nhau tuy nhiên xuất xứ và chất liệu hoàn toàn khác. Hàng chính hãng nhập từ Hàn Quốc thì giá cao hơn, chất lượng tốt hơn còn những sản phẩm nhái khác đều là hàng Trung Quốc. Họ lấy mẫu xong đó làm nhái y hệt về mẫu mã,  dán tem lên như hàng thật nhưng chất lượng kém nên giá thành thấp hơn nhiều. Người tiêu dùng không biết phân biệt rất dễ mua phải những sản phẩm nhái này”.

Hàng Việt Nam tuy có ưu điểm về giá rẻ, song ưu điểm này cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng Trung Quốc khi đang tràn ngập thị trường với kiểu dáng đẹp, hiện đại và giá hợp lý.

Chị Yến, chủ cửa hàng VLXD trên đường Hoàng Quốc Việt nhận xét: “Sản phẩm VLXD của doanh nghiệp Việt Nam mới đơn thuần đáp ứng được công năng sử dụng và đang bị đẩy lùi xuống phân khúc trung bình và thấp. Song, ở phân khúc này các doanh nghiệp Việt Nam lại phải cạnh tranh với hàng trôi nổi nhập từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng và chất lượng không được kiểm soát”.

Ngoài ra, bằng những thủ đoạn tinh vi làm nhái các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như : ToTo (Nhật), Ariston (Italia), Emily (Đài Loan)... bằng mặt hàng gốm sứ Trung Quốc thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Hỗn loạn thị trường vật liệu xây dựng dịp cuối năm

Vật liệu xây dựng được bày bán tràn lan trên phố Cát Linh

Chẳng hạn loại bồn tắm bằng nhựa giá bán trên thị trường hiện nay từ 5 triệu-10 triệu đồng/cái (trong khi giá vốn chỉ vài triệu đồng), bồn tắm có massage thì vô tư hét giá từ 10 triệu cho đến 30 triệu đồng/bộ, trong khi giá vốn không đến 5 triệu đồng.

Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA, hiện Trung Quốc sản xuất khoảng gần 9 tỷ m2 gạch ốp lát và trên 100 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, chiếm gần 80% sản lượng toàn thế giới. Cung của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu sử dụng nội địa.

Thông qua các con đường chính ngạch và tiểu ngạch, hàng gốm sứ Trung Quốc đã và đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam bóp nghẹt cả thị trường gốm sứ nội địa.

Những nhà kinh doanh VLXD cảnh báo, khách hàng hãy cẩn thận với hàng nhái. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhái, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc được làm rất tinh vi từ con tem tới kiểu dáng nhưng chất lượng thì không thể quản lý.

Việc hàng giả, hàng nhái có thể tồn tại được trong thời gian dài không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn có nguyên nhân từ chính các chủ đầu tư, chủ nhà. Trong quá trình xây dựng, họ đã phó thác việc chọn vật liệu cho nhà thầu và thợ thi công, tạo điều kiện cho người kinh doanh và thi công chạy theo lợi nhuận, bất chấp chất lượng.

Khi mua VLXD người tiêu dùng nên tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, chế độ bảo hành của cửa hàng. Bên cạnh đó, khi mua thiết bị vệ sinh cần phải chú ý đến các linh kiện kèm theo đề phòng linh kiện đi kèm không đúng chủng loại, không đồng bộ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa vấn đề quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại VLXD trên thị trường, kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm tránh tình trạng bán hàng giả, hàng lậu còn hoành hành trên thị trường như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗn loạn thị trường vật liệu xây dựng dịp cuối năm