Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 11, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 118,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,2 tỷ đồng, giảm 13,3%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 92,3 nghìn người, giảm 12,1%.
Trong tháng, cả nước còn có 3.404 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thấp hơn 1,4% so với tháng trước; có 6.353 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 5%; có 1.554 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 12,3%.
Tính chung 11 tháng, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.234,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8% và 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%.
Theo lĩnh vực hoạt động, có 10,2 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 39,4%), tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; 3,8 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,7%), tăng 24,6%; 3,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), tăng 18,8%; ...
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2018 là 14.861 doanh nghiệp, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 13.598 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% và tăng 37,3%.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 5,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 2 nghìn doanh nghiệp, tăng 44,6%; xây dựng có 1,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 48,9%.
Một số nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng cao được TS Trần Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chỉ rõ. Đó là những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả, dẫn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp.Hạn chế về tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị, tính đổi mới sáng tạo, năng suất lao động là những yếu tố làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai là ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn kém. Cụ thể, theo thông tin báo cáo tại Tờ trình số 83/TTr-BTC ngày 20/7/2018 của Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, tính đến 31/12/2017, có 14.816 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký nhưng không thực hiện thủ tục giải thể theo quy định.
Đồng thời, cũng tồn tại một bộ phận người dân lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về đầu tư kinh doanh để trục lợi thông qua việc thành lập doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính (như mua bán hóa đơn VAT); những doanh nghiệp này sau đó ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường; sự tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần làm số doanh nghiệp rời thị trường gia tăng.