Hơn 26.000 ca sốt xuất huyết, TP.HCM ứng phó như thế nào?

Chí Tâm| 15/07/2022 11:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TP dự tính chia thành 3 tình huống để ứng phó với dịch sốt xuất huyết (SXH), đảm bảo sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 đến 6.000 ca SXH điều trị nội trú tại các bệnh viện; hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch SXH khi số ca mắc liên tục tăng cao, Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn TP.

Theo đó, nhằm chủ động nguồn lực đảm bảo sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 đến 6.000 ca mắc SXH, ngành y tế TP dự tính chia thành 3 tình huống để ứng phó.

tphcm.jpeg
Bệnh nhân nhập viện điều trị SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh

Cụ thể:

Tình huống 1: Số ca nhập viện mỗi ngày dưới 300 ca, dưới 2.000 ca điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện. 

Các bệnh viện sẽ chuẩn bị 2.405 giường bệnh SXH và 260 giường hồi sức. Bệnh nhân nặng là người lớn sẽ ưu tiên điều trị tại bệnh viện bộ ngành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, bệnh viện đa khoa của TP. Đối với trẻ em chuyển bệnh viện chuyên khoa Nhi.

Tình huống 2: Số ca nhập viện từ 300-600 ca mỗi ngày, 2.000- 4.000 ca điều trị nội trú và 200-400 ca nặng tại các bệnh viện. 

Tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh điều trị và hồi sức tại các bệnh viện công lập. Tổng số giường điều trị SXH trong giai đoạn này là 4.000 giường, 410 giường hồi sức. Các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ tiếp nhận bệnh nhi có chỉ định nhập viện nhưng chưa chuyển nặng.

Tình huống 3:  Số ca nhập viện mỗi ngày từ 600-900 ca, 4.000-6.000 ca đang điều trị nội trú và 400-600 ca nặng tại các bệnh viện. 

Tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh. Tổng số giường điều trị SXH trong giai đoạn này là 6.000 giường, 605 giường hồi sức (trong đó có 210 giường tại các bệnh viện chuyên khoa nhi). 

Theo Sở Y tế, hiện các bệnh viện có 142 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa nhiễm, 2.704 bác sĩ được tập huấn chẩn đoán, điều trị SXH, 2.651 điều dưỡng được tập huấn theo dõi, chăm sóc người bệnh, 591 bác sĩ được tập huấn hồi sức cấp cứu và 2.150 điều dưỡng được tập huấn chăm sóc người bệnh nặng.

Sở Y tế cho biết theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca SXH nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền và 2 đơn vị máu, chế phẩm máu. Do đó dựa vào tình huống cụ thể cần phải dự trù dịch truyền, máu và các chế phẩm máu đảm bảo sử dụng trong 1 tháng.

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh SXH theo phân tuyến; rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể với từng ca bệnh. Đặc biệt, các bệnh viện phải tăng cường theo dõi người bệnh SXH đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời ca bệnh có diễn tiến bệnh nặng lên. Củng cố đường dây điện thoại nóng tại các bệnh viện tuyến cuối, đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, dịch truyền máu…

Theo Viện Pasteur TP.HCM, dịch bệnh SXH tại các tỉnh phía Nam và TP.HCM năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự gia tăng chủng D2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh (đã vắng mặt một thời gian trước đó), số ca mắc mới sẽ có tăng cao, tương ứng số ca nặng, số tử vong tăng.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang vì bệnh nhân nặng dồn dập vào viện.

Ngành y tế dự báo những tháng còn lại của năm 2022 là cao điểm mùa mưa, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo số bệnh nặng và tử vong tăng nếu không quyết liệt phòng chống từ bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 26.000 ca sốt xuất huyết, TP.HCM ứng phó như thế nào?