Chiều 13/2 (28 Tết), ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.
Con số báo động
Theo Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong tháng 1 vừa qua, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, các ca mắc cúm đang tăng lên. Thời điểm này, khoa đã phải bố trí một khu vực riêng dành cho bệnh nhân cúm, với khoảng 10 ca mắc cúm trong mấy ngày qua. Trong đó, có một ca diễn biến nặng gây viêm phổi nghiêm trọng phải chuyển lên hồi sức tích cực và hiện đã hồi phục.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 12/2017 đến nay đã có 830 trường hợp mắc cúm đến khám, gần 390 người phải nhập viện.
Số ca nhiễm virus cúm mùa gia tăng trong thời điểm cận Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa
Tại Bệnh viện Đống Đa, từ đầu năm đến nay trung bình mỗi ngày có 10 bệnh nhân mắc cúm đến khám. Nhiều trường hợp biến chứng viêm phế quản, phổi, hoặc có bệnh nềm tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính và trẻ nhỏ được chỉ định điều trị nội trú.
Trước các ca mắc cúm đang có dấu hiệu gia tăng, bệnh viện bố trí riêng tầng 3 của khoa truyền nhiễm với 15 giường điều trị bệnh nhân cúm.
Tương tự, đại diện Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, từ đầu mùa đến nay, có khoảng 400 bệnh nhân cúm điều trị, hiện đang điều trị nội trú cho 70 ca, không có tử vong.
Không thiếu thuốc Tamiflu
Theo đại diện các bệnh viện, do bệnh nhân cúm gia tăng đã có tình trạng khan hiếm thuốc trị bệnh ngoài thị trường. Thậm chí, có bệnh nhân phải mua 500.000 đồng một viên, thậm chí là 5 triệu một vỉ thuốc. Trong khi đó, thuốc Tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao.
Hiện tại Bệnh viện Đống Đa cũng chỉ còn 300 viên. Cách đây 1 tuần, Bệnh viện Xanh Pôn cũng không có thuốc nhưng hiện đã có 200 viên. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn còn hơn 6.000 viên, kho dự trữ còn 35.000 viên, đã cho một số cơ sở y tế vay. Tại Bệnh viện Bạch Mai, còn khoảng 1.200 viên và bố trí sẵn 12 máy ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể).
Cũng theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, sở dĩ có tình trạng khan hiếm Tamiflu là do người dân lo lắng, mua thuốc về dự trữ hoặc tự ý sử dụng.
Ths Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo, các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này; yêu cầu các bệnh viện giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.
Căn cứ tình hình thực tiễn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã quán triệt 7 chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa đông xuân, mùa Lễ hội và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó kịp thời với dịch cúm. Đồng thời, Cục Khám chữa bệnh cũng khuyến cáo: các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này; yêu cầu các bệnh viện giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.