Hôm nay Đại hội XIII của Đảng chính thức khai mạc tại Hà Nội

Mai Thoa| 26/01/2021 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 26/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với 1.587 đại biểu đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên cả nước cùng các khách mời.

Trong số các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại biểu đương nhiên chiếm 12,4%; đại biểu chỉ định chiếm 0,95%; đại biểu nữ chiếm 13,99%; đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 11,03%. Về độ tuổi, đại biểu cao tuổi nhất 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi.

vna_potal_phien_hop_tru_bi_dai_hoi_dang_toan_quoc_lan_thu_xiii_stand-2-.jpg
Đại hội XIII chính thức khai mạc hôm nay 26/1

Đại biểu khách mời có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao. Ngoài ra còn có các Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ… tiêu biểu.

Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội XIII sẽ tiến hành thảo luận, thông qua: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (trình Đại hội XIII).

Nói về vai trò, ý nghĩa của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với tương lai phát triển của đất nước, dân tộc, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc.

Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 – 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng CNXH ở nước ta.

"Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội đề ra là cơ sở hết sức quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên triển khai thực hiện; tạo thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI" - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định.

Mục tiêu lớn cho phát triển kinh tế đất nước

Đánh giá về nhiệm kỳ 2015-2020, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm đạt 6% và là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát. Các chính sách người có công, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường…

dd.jpg

Đặc biệt, Việt Nam đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch COVID-19, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự chung tay chung sức chung lòng của toàn dân, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

“Tôi thấy rất vui mừng bởi đất nước ta trải qua những cái khó khăn, thử thách lớn, nhưng nhờ sự sáng tạo, quyết tâm đã biến nhiều thách thức thành thời cơ và cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới, bà Tuyến khẳng định.

Cũng theo bà Tuyến, Hà Nội đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD…

Còn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ phấn đấu đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của Châu Á tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành phố đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 05 lĩnh vực, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên,…

Đặc biệt, trên cơ sở 03 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TP vận dụng sáng tạo để xây dựng 03 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 01 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển TP.

Đại hội Đảng XIII sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII gồm 200 uỷ viên. Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 người, trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết với 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50-60, từ 61 tuổi trở lên. 

Trong đó, số Ủy viên Trung ương, phấn đấu dưới 50 tuổi khoảng 15-20%; từ 50 - 60 khoảng 70%; 61 tuổi trở lên trên dưới 10%; cán bộ trẻ khoảng trên 10%, nữ khoảng 12%. 

"Công tác chuẩn bị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có số dư từ 10 - 15%, ra Đại hội có thể đề cử, giới thiệu thêm nhưng không quá 30%", Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay Đại hội XIII của Đảng chính thức khai mạc tại Hà Nội