Cách đây 25 năm, tôi tham dự kỳ thi đại học, trước ngày lên đường, mẹ tôi đi xát thóc cho cha con tôi mang theo để nấu ăn trong những ngày đi thi. Tôi đi thi cũng là người đầu tiên trong đại gia đình có người đi thi đại học, điểm thi nằm ở một huyện miền biển của tỉnh Nghệ An.
Khi cầm tờ thẻ dự thi, đọc tên điểm thi, cha tôi nói: “Cha còn chưa đi ra khỏi tỉnh thì huyện đó làm sao biết được”. Nhưng vì tôi, cha lại tìm đến một anh sinh viên trong làng học ĐH Sư phạm Vinh, anh vẽ đường cho cha con tôi đi. Ngày đó, internet là những định nghĩa chưa bao giờ xuất hiện, nên cha con tôi vừa đi vừa hỏi.
Để đề phòng có sự cố xảy ra khi đi thi, thay vì sát ngày thi mới đi, cha con tôi đã quyết định đi sớm hơn ngày làm thủ tục thi 4 ngày. Sáng hôm lên đường, mẹ đồ một nồi xôi thật nhiều đỗ, mẹ bảo ăn xôi đỗ cho may mắn. Rồi mẹ gói thêm cho cha con tôi một gói mang theo đường.
“Đề phòng đến nơi chưa tìm được nhà trọ để nấu cơm thì cha con còn có cái mà ăn”, mẹ nói.
Hành trang của hai cha con mang theo đi thi đại học ngoài một cặp sách, ít quần áo của hai cha con là 2 yến gạo trắng, một ít tiền cha mẹ tôi giành dụm từ việc bán 2 con lợn béo, mấy tạ thóc vừa thu hoạch từ vụ mùa đặc biệt có 2 cái nồi và một ít bát đũa.
Để ra đến thành phố Vinh, hai cha con đi xe đạp mất 4 tiếng đồng hồ, nhưng để tìm được đến huyện Nghi Lộc – nơi điểm thi của tôi, hai cha con tôi loay hoay mãi. May sao lúc đó có đội sinh viên tình nguyện. Thấy cha con tôi khăn gói bao nhiêu thứ, đằng sau còn mang theo một cặp sách to, họ đã trực tiếp đưa cha con tôi đến điểm thi cách thành phố Vinh 5km.
Khi đến nơi, đội tình nguyện viên đưa cha con tôi đến nhà trưởng thôn, nơi đặt điểm thi của tôi năm đó. Rồi trưởng thôn dẫn cha con tôi và hai anh chị tình nguyện đến nhà của vợ chồng một cựu chiến binh xin ở nhờ.
Nói chuyện với trưởng thôn và vợ chồng người cựu chiến binh, cha con tôi mới biết năm nào các trường THPT ở huyện Nghi Lộc cũng được chọn làm điểm thi cho các trường đại học. Bởi vậy, hội đồng thi đã phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đi vận động người dân cho sĩ tử và người nhà sĩ tử ở nhờ những ngày tham gia kỳ thi đại học.
Ngay sau khi cha con tôi ổn định chỗ, các tình nguyện viên chia tay cha con chúng tôi trở về thành phố Vinh để hỗ trợ những sĩ tử từ các tỉnh khác đến điểm thi.
Bởi cha tôi cũng nghèo, cuộc sống gắn bó với lũy tre làng nên khi vào xin ở trọ mấy ngày, cha đưa ra bao gạo 20 kg, cùng số tiền cha có cho vợ chồng cựu chiến binh. Còn hai cái nồi và một ít bát đũa mang theo cha tôi lại cất vào bao tải.
Thế nhưng, vợ chồng cựu người cựu chiến binh nghèo cười hiền đáp: “Gạo thì tôi xin nhận, nhưng tiền anh cất đi để mà trang trải cho con những ngày đi thi và cả sau này cháu nó đỗ đại học còn tốn nữa. Ở đây với chúng tôi, có gì ăn nấy miễn chúng ta làm sao để cháu nó thoải mái mà thi”.
Nghe xong những câu nói đó, cha con tôi rưng rưng nước mắt. Trước đó, tôi cũng từng nghe các anh chị khóa trên kể, đi thi đại học ở các thành phố lớn phải đi sớm cả tuần, có những anh chị thi trong thành phố Hồ Chí Minh sau khi có điểm tốt nghiệp, thẻ dự thi là đi luôn để tìm chỗ ở, rồi tìm đường sá đi lại cho quen.
Những ngày sống cùng gia đình cựu chiến binh ở miền biển, họ nấu cho tôi những bữa ăn với nhiều cá tươi. Đó là những bữa ăn ngon mà hiếm khi cha con tôi được ăn trừ những ngày giỗ hay tết. Đến chiều, sau cả ngày ôn bài xong, người cựu binh già lại dẫn tôi và cha ra bờ biển hóng gió.
Ông cựu binh già nói: “Ông biết lúc này cháu rất mệt, căng thẳng nên ông muốn dẫn cháu ra đây để thư giãn, kỳ thi nào cũng có áp lực, nếu không áp lực sẽ không thành công được. Hãy làm hết sức mình lúc đó cháu sẽ không hối tiếc dù thất bại”. Đó là những lời khuyên khiến tôi cảm động, tiếp thêm sức mạnh những ngày cuối cùng để bước vào kỳ thi.
Và cũng ngày này 25 năm sau, con gái tôi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi 2 trong 1 vừa xét điểm tốt nghiệp vừa dùng điểm để xét tuyển đại học. Những ngày qua, tôi cũng đọc trên báo về câu chuyện áp lực thi cử khiến tôi cũng càng lo lắng. Liệu con mình có hoang mang như vậy không? Để thay đổi không khí cho con, tôi đã chủ động bảo con dừng ôn tập, cùng con làm những điều con thích. Trong quá trình sống chậm những ngày này với con, tôi mới biết các con áp lực vì sợ làm bố mẹ buồn nhiều hơn là áp lực trượt đại học.
Nhìn đôi mắt con lo lắng chờ đợi câu trả lời của mẹ, tôi khẽ xoa đầu con nói: “Mẹ từng trải qua cảm giác hoang mang, lo lắng những ngày cuối trước khi bước vào kỳ thi nên hơn ai hết lúc này mẹ cũng cảm nhận được những áp lực đang đè nặng lên con. 18 năm qua, mẹ cùng đồng hành với con, chứng kiến những thành công đầu đời là con biết lật, biết chập chững đi, tiếng gọi mẹ đầu tiên. Rồi ngày đầu tiên con vào lớp 1 con đã khóc như thế nào, cho đến nay con 18 tuổi vượt vũ môn quan để đến gần với mơ ước của mình. Chỉ cần con làm hết mình, con cảm thấy không hối tiếc khi cầm trên tay thành quả 12 năm học của mình là mẹ vui”.
Con may mắn hơn thời bố mẹ, lần này con đi thi không cần đi xa, không còn cảnh tìm nhà trọ, xếp hàng mua suất cơm bụi hay chen chúc giữa cái nắng 39 – 40 độ cùng với gió lào của tháng 7 ở miền Trung nữa.
Bên cạnh đó, những ngày con thi, cả nước cùng đồng lòng hỗ trợ, mặc dù dịch covid-19, nhưng nhà trường, thầy cô cũng như tất cả các cấp đều cố gắng làm hết mọi biện pháp an toàn để bảo vệ con và các bạn của con.
Hãy tự tin để tỏa sáng, kỳ thi này chỉ là một thử thách như lúc con tập đi hay vào lớp 1 thôi!