Lễ đón bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ diễn ra vào ngày 5/5 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chương trình đón bằng công nhận sẽ quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản bài chòi tham gia, trình diễn.
Bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và trên hết, bài chòi là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ, ngày 7/12 vừa qua, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Bài Chòi sẽ đón bằng của UNESCO vào ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Nghệ thuật bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc, được phát triển từ trò chơi bài chòi. Bài chòi từ hô tên quân bài làm vui ở hội chơi, dần phát triển thành các tiết mục hát rồi diễn xướng dân gian với hình thức kể chuyện và trở thành nghệ thuật sân khấu bài chòi.
Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300–400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế vào những dịp lễ hội ngày xuân. Bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất và sự sáng tạo, trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.