Âm nhạc - Phim

Hơi thở đương đại trong những thanh âm truyền thống

Tuyết Nhung 31/12/2023 09:44

Qua bao thăng trầm lịch sử, nhạc cụ truyền thống vẫn duy trì được sức sống mãnh liệt để ngân lên những giai điệu thấm đẫm hồn cốt, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Những sáo, đàn bầu, đàn t’rưng, đàn nhị... vẫn hiển hiện như là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu. Đặc biệt, khi được thổi làn gió mới, thì những thanh âm truyền thống như có thêm nhịp điệu vô hình để kết nối giữa thế hệ trẻ của đất nước với các giá trị truyền thống từ ngàn xưa của cha ông.

men09.jpg

Nhạc cụ truyền thống - sứ giả văn hóa của Việt Nam

Đặc trưng âm nhạc nước ta là phát triển theo vùng miền từ Bắc đến Nam. Có những nhạc cụ đơn thuần là sự sáng tạo của con người ở vùng đất đó; có loại được du nhập từ nước ngoài nhưng được dân tộc hóa, bản địa hóa để phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam.

Mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, âm hưởng cũng đặc biệt; những hồn cốt đều nằm trong các nhạc cụ truyền thống đó. Trống lớn, trống nhỏ, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc,... mỗi nhạc cụ đều có quá trình phát sinh, phát triển cùng thời gian, chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, thẩm mỹ và nghệ thuật đặc trưng của dân tộc mình.

Là một nghệ sĩ đã gắn bó hơn 60 năm với nhạc cụ dân tộc, NSND Minh Phương cho biết: "Nhạc cụ dân tộc có ý nghĩa rất lớn về mặt âm nhạc với người Việt. Với những nhạc cụ như trống, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh... đều phục vụ cho đời sống sinh hoạt tinh thần của con người Việt Nam.

Ngoài ra, nhạc cụ dân tộc mang giá trị tinh thần, có giá trị lịch sử, nhạc khí dân tộc tồn tại suốt một thời gian dài. Nó gắn bó lâu dài với đời sống con người. Nhờ sự gắn bó đó, vật và người có thêm mối liên kết không thể tách rời với nhau. Một người nghệ sĩ không bao giờ bỏ cây đàn đã đi theo mình từ lúc bắt đầu, nếu bắt buộc từ bỏ thì họ cũng sẽ luôn nhớ tới. Đó chính là những tình cảm con người thường có với nhạc khí của mình".

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội, giới trẻ đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, mà không quan tâm đến bản sắc dân tộc đang bị hao mòn theo năm tháng. Từ đó, nhạc cụ dân tộc dần trở nên bị lép vế trước các loại hình nhạc cụ ngoại lai, dẫn tới âm nhạc truyền thống bị âm nhạc hiện đại lấn át. Các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc đang ngày càng thưa vắng khán giả, còn nghệ thuật hiện đại lại "chiếm lĩnh trận địa và lên ngôi".

ds.jpg
Với nền văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc như là những viên ngọc quý, sáng đẹp mang sức sống tiềm tàng góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.

Chính vì vậy việc bảo tồn và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam phải được khuyến khích và có những cách thể hiện đột phá hơn. Đó không chỉ là bổn phận mà là việc cần phải làm ngay. Cũng rất may, nền âm nhạc dân tộc Việt Nam còn có những nghệ sĩ đã không màng đến kinh tế, vật chất để tạo ra những sản phẩm chất lượng cho những nhạc cụ dân tộc cổ truyền.

Vị trí không thể thay thẾ

Là người đã gắn bó với nhạc cụ dân tộc 16 năm, nghệ sĩ Minh Dương cho biết: “Ngày nay người nghệ sĩ, nhạc công không chỉ có nhiệm vụ tái truyền đạt những tư tưởng sẵn có của người xưa cốt sao cho hay nữa, mà họ còn là lực lượng để sáng tạo ra những tác phẩm mới mang phong cách riêng của từng nhạc cụ, nét đặc sắc của mình. Để sáng tác một ca khúc mang âm hưởng dân gian sao cho hay và được khán giả trẻ biết đến đã là khó thì với nhạc cụ càng khó hơn gấp nhiều lần. Vì chúng không được thể hiện bằng ngôn từ, ý văn, ý nhạc mà là cách cảm nhận nhịp điệu từ những thanh âm của nhạc cụ”.

men2.jpg
Các loại nhạc cụ như là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu.

Chính vì vậy, để tạo ra những tác phẩm mới dành cho nhạc cụ truyền thống cần có sự am hiểu sâu rộng về loại nhạc cụ đó. Những ý nghĩa sâu xa của từng cung thanh, bậc nhịp. Cùng với đó là sự kết hợp hài hoà giữa các loại nhạc cụ hiện đại để tạo nên sức sống mới cho tác phẩm. Nếu không khéo léo sẽ làm gãy đi nhịp cầu xưa và nay. Đồng thời, cũng là một cách để nhạc cụ dân tộc khẳng định vị thế trong thị trường âm nhạc. Bản hòa tấu “Men Lá” là một trong những tác phẩm như vậy.

Men Lá là tác phẩm hòa tấu dân gian đương đại, mang hơi thở đương đại, kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và phương Tây như: sáo, nhị, tranh, bầu… kết hợp guitar, drum…

Không chạy theo âm nhạc thị trường hay đưa đến cho người nghe những giai điệu quen thuộc mà tác giả đưa đến một câu chuyện mang âm hưởng vùng cao Tây Bắc, cũng như cái tên Men Lá vậy. Tác phẩm chủ động đưa những kỹ thuật đỉnh cao của các nhạc cụ dân tộc đối thoại với âm nhạc phương Tây, thể hiện nhiều kỹ thuật khó của từng nhạc cụ.

Từ tình yêu âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Minh Dương đã trình làng một tác phẩm có tính nghệ thuật chuyên nghiệp cao, không chạy theo âm nhạc thị trường mục đích nhằm nâng cao giá trị nghệ thuật cũng như tính năng của nhạc cụ dân tộc không thua gì nhạc cụ phương Tây.

Thể hiện tác phẩm cũng là sự kết hợp vô cùng khéo léo giữa thế hệ các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Vân Mai (Đàn tranh), NSƯT Tất Nghĩa (Đàn bầu), NSƯT Hải Nam (bộ gõ) cùng với nhiều nghệ sĩ trẻ khác ở nhiều lĩnh vực nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ dân tộc.

Vừa mới ra mắt, tác phẩm được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ trong nghề đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật chuyên nghiệp. Tạo ấn tượng tốt và nâng cao giá trị nghệ thuật truyền thống, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm trong giới nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống để sẽ có nhiều hơn những tác phẩm như vậy ở nhiều tác giả khác. Là một cú hích mạnh đưa nhạc cụ truyền thống trở lại cùng nhịp thở của xã hội.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơi thở đương đại trong những thanh âm truyền thống