Ngày 19/8, Học viện Tòa án (HVTA) cùng với Đại học Kinh tế và Pháp luật Trung Nam, Vũ Hán - Trung Quốc đồng chủ trì Hội thảo quốc tế về “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng”.
Tại điểm cầu HVTA, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc HVTA chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; các chuyên gia, cùng đội ngũ giảng viên, học viên thuộc HVTA.
Về phía Trường đại học Kinh tế và Pháp luật Trung Nam, Vũ Hán – Trung Quốc, đồng chủ trì Hội thảo có GS.TS. Đồng Đức Hoa. Tham dự Hội thảo có còn ông Vương Sung, Đồ Long Khoa, Lý Thục Lan, cùng các chuyên gia thuộc Trường.
Hội thảo với mong muốn các nhà khoa học trong nước và Trung Quốc cùng trao đổi, đưa ra giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chế định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại (PNTM) phạm tội trong Bộ Luật hình sự 2015 và đảm bảo áp dụng chế định này trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm được thực hiện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc HVTA cho biết, TNHS của pháp nhân không phải là vấn đề mới, xét dưới góc độ pháp luật quốc tế, TNHS của pháp nhân đã ghi nhận trong nhiều Công ước của Liên Hợp Quốc như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC), Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC), Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc và các điều ước quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố. Xét đưới góc độ pháp luật quốc gia, ngay từ cuối thế kỷ thứ XVIII vấn đề TNHS của pháp nhân đã được quy định trong pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới.
PGS.TS. Phạm Minh Tuyên thông tin, ở Việt Nam, xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân trên thực tế, những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân, vấn đề TNHS của pháp nhân đã được các chuyên gia, các học giả thảo luận và nghiên cứu chính thức trong quá trình xây dựng dự án BLHS 1999, như các bài viết của GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa: TNHS của chủ thể là tổ chức và vấn đề sửa đổi BLHS Việt Nam, Tạp chí Luật học số 12/2014; Khái niệm tội phạm và việc quy định TNHS của PNTM trong BLHS Việt Nam 2015, Tạp chí Luật học số 03/2016, Trường Đại học Luật Hà Nội; Cuốn TNHS của pháp nhân - Nhận thức cần thống nhất, sách chuyên khảo do nhiều tác giả cùng Giáo sư biên soạn, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
Theo PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, trong các bài viết này, tác giả đã phân tích lý luận về TNHS của pháp nhân; tiến hành đánh giá lịch sử quá trình lập pháp của một số nước trên thể giới và ở Việt Nam về việc quy định TNHS của pháp nhân. Đồng thời, khi phân tích khái niệm tội phạm theo quy định tại Điều 8 BLHS 2015, tác giả khẳng định việc quy định khái niệm như vậy là việc mở rộng TNHS đối với tội phạm do cá nhân thực hiện.
“Việc bổ sung TNHS của pháp nhân trong khái niệm tội phạm không làm thay đổi bản chất của khái niệm này. Theo tác giả PNTM chỉ là chủ thể chịu TNHS về tội phạm do cá nhân thực hiện trong những trường hợp nhất định... Từ những ý kiến của các nhà khoa học thì tại Kỳ họp thứ 10, ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLHS 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, trong đó quy định chính thức chế định TNHS của PNTM phạm tội. Đặc biệt, sự ra đời của BLHS 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta” - PGS.TS. Phạm Minh Tuyên nhấn mạnh.
Cùng với đó, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên cho rằng, điều này đã làm thay đổi tư duy truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi phạm tội do PNTM thực hiện. Mặc dù quá trình xây dựng đã có những nghiên cứu cụ thể, tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và sự tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, tuy nhiên, do bởi pháp nhân làm rõ một số vấn đề như:
Pháp nhân có năng lực thực hiện tội phạm không? Pháp nhân là chủ thể thực hiện tội phạm hay chỉ là chú thể phải chịu TNHS từ hành vị phạm tội của cá nhân là người của pháp nhân? Nếu pháp nhân là chủ thê của tội phạm, có thể thực hiện được hành vi phạm tội thì hành vi phạm tội của pháp nhân được xác định như thế nào?...
PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc HVTA tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo; sự nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, Hội thảo “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng” sẽ thu nhận được nhiều ý kiến và kinh nghiệm quý báu, góp phần hoàn thiện chế định PNTM trong Luật hình sự Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia thông qua Báo cáo chuyên đề như: TNHS của pháp nhân, bản chất, điều kiện và kỹ thuật lập pháp; TNHS của pháp nhân ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong quá trình áp dụng pháp luật; Lựa chọn phương án truy cứu trách nhiệm đối với đơn vị phạm tội từ quan điểm tuân thủ pháp luật hình sự; Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự trong việc xác định TNHS của PNTM phạm tội ở Việt Nam qua vụ án thực tế…
Hội thảo cũng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về TNHS của pháp nhân với các chuyên gia Trung Quốc.