Ngày 15/7, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán".
Lạm phát ở Việt Nam thấp hơn so với thế giới
Theo ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do khủng hoảng tại Ukraine, bất định gia tăng với các lệnh trừng phạt, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, khiến giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, buộc các nước phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Điều này khiến đà phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 ngày càng gập ghềnh hơn và có thể đối mặt với nguy cơ đình lạm cục bộ.
Ông Giang nhấn mạnh: “Vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát. Lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp các nền kinh tế thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề”.
Theo đó, lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1% gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Tại Châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.
Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 06 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả (xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại…) đều tăng, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng, lạm phát tại Việt Nam có một số đặc điểm như: Có độ trễ hơn so với quốc tế; lạm phát cơ bản tăng thấp, ở mức 1,25%; chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Ba nhóm làm tăng lạm phát chính là: Giao thông, vật liệu xây dựng, dịch vụ hàng ăn uống. Trong đó, yếu tố tác động vào lạm phát nhiều nhất và nhanh nhất là giao thông, do giá xăng dầu tăng.
Có một số nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn so với thế giới là: Giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh; bảo đảm nguồn cung hàng hóa; một số mặt hàng được điều tiết tương đối mạnh; Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt công cụ chính sách; cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm.
Tăng lãi suất có thể làm kinh tế suy thoái, không cứu được lạm phát
Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Ba rủi ro lớn nhất toàn cầu phải đối mặt hiện nay là lạm phát tăng cao khiến FED buộc phải tăng lãi suất; giá cả năng lượng tăng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; và chính sách zero COVID của Trung Quốc khiến kinh tế toàn cầu không đạt tăng trưởng như dự báo.
Theo dự báo lãi suất các quốc gia lớn là đi lên (trừ Trung Quốc có thể đi xuống vì cần phục hồi sau thời gian áp dụng zero COVID). Đây cũng là giai đoạn tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất từ trước tới nay. Dự báo lãi suất điều hành của Mỹ tới cuối năm 2023 tới có thể là 3,7-4%.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái mà lại có thể không cứu được lạm phát, vì lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng lãi suất chưa chắc là thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, hiện nay, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của Ngân hàng trong câu chuyện này là nhỏ.
“Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm”, ông Nghĩa cảnh báo.
Điều có thể làm lúc này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa là sử dụng chính sách tài khoá. Hiện nay xăng dầu tác động rất lớn lên lạm phát nhưng cũng là mặt hàng phải chịu rất nhiều loại thuế. Vì vậy, cần sớm có giải pháp hỗ trợ để bình ổn giá xăng dầu.
Ngoài ra, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, Việt Nam có một điều may mắn để có thể đứng ngoài vòng xoáy lạm phát. Giai đoạn dịch bệnh các nước thi nhau bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi thì Việt Nam lại gần như không. Do đó, đến nay khi các nước phải đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, buộc phải tăng lãi suất để hút tiền về thì Việt Nam lại không phải đối mặt với vấn đề này. Đây cũng là lý do, có thể bất chấp FED tăng lãi suất thì các nhà đầu tư ngoại vẫn sẽ quay trở lại Việt Nam.
Chứng khoán nên đầu tư dài hơi
Nhận định về thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cho biết, thời gian qua, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, nguyên nhân do điều chỉnh theo thị trường thế giới, đầu cơ, tâm lý đám đông.
Về cơ hội đối với thị trường này, theo ông Lực, tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 rất tích cực. Các chỉ số cân đối lớn (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cơ bản về trạng thái trước dịch Covid-19. Các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6-7% là khả thi. Kinh tế phục hồi sẽ giúp thị trường chứng khoán tốt lên.
Đặc biệt, việc chu kỳ T+2 (khoảng thời gian 2 ngày làm việc để thực hiện giao dịch và thanh toán chứng khoán) được triển khai sẽ giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp niêm yết phục hồi khá cũng là cơ hội đối với thị trường chứng khoán.
Ông Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên, để có lợi nhuận, nên đầu tư dài hơi hơn. Thống kê mà vị chuyên gia này đưa ra cho thấy, giữa các kênh đầu tư như: Cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và USD, đối với đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư đầu tư 5 năm thì lợi nhuận bình quân là 19,2%/năm; đầu tư 10 năm, lợi nhuận là 15,8%/năm, cao hơn lợi nhuận các kênh còn lại.