Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa- tâm linh kết hợp với hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm đã vẽ lên viễn cảnh biến con sông “chết” trở thành một không gian tuyệt đẹp với hàng loạt các công trình văn hóa trải dài. Đây là ý tưởng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã giành giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2021.

Hồi sinh sông Tô Lịch

Đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá, du lịch, tâm linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng tình.

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ (CTCS) cho biết, mục tiêu trọng tâm là giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch. Khi vấn đề này đã được giải quyết, CTCS, JVE Group và đối tác Nhật Bản sẽ tiến hành xây dựng Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch (Công viên Hữu nghị Việt-Nhật).

“Sông Tô Lịch sau khi được cải tạo sẽ có giá trị vô cùng to lớn về mặt chính trị, văn hóa, lịch sử, du lịch, sẽ tạo ra việc làm cho hàng vạn người lao động. Việc phát huy giá trị sông Tô Lịch cũng sẽ là tiếng chuông thức tỉnh cho nhiều công trình văn hóa đang ‘ngủ say’ của Thủ đô”, ông Điệp nhấn mạnh.

1.png

Phối cảnh công viên hai bên bờ sông Tô Lịch sau khi cải tạo.

Theo đó, các hạng mục bao gồm: Hệ thống phù điêu tóm tắt lịch sử các triều đại, cụm tượng đài các danh nhân văn hóa, sân khấu nghệ thuật, tranh tường, 63 không gian văn hóa của các tỉnh thành, hệ thống cây xanh…

Đây là một công trình tổ hợp văn hóa thể thao du lịch giữa đường Bưởi - Cầu Giấy với Hồ Tây lá phổi của thủ đô. Từ Hồ Tây, du khách có thể đi về dòng Tô Lịch và chiều ngược lại, khoảng cách không gian là rất gần. Bên cạnh đó, nơi đây còn là nơi gặp gỡ của hai triều đại Lý (tiền Lý và hậu Lý) mà không vị trí nào của Hà Nội thể hiện được điều đó. Đây sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đồng thời là một điểm nhấn của thủ đô. Đặc biệt dựa vào con đường đã được định sẵn sau này không có sự thay đổi địa thế.

Tại hội thảo tìm kiếm giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch do JVE Group và Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ (CTCS) phối hợp tổ chức, thạc sỹ Nguyễn Nữ Hoàng Anh (Văn phòng Quốc hội) rất tâm đắc với dự án này.

Theo đánh của thạc sỹ Nguyễn Nữ Hoàng Anh, nếu dự án trở thành hiện thực, dòng sông không còn ô nhiễm mà trở thành không gian văn hóa rộng lớn, Hà Nội sẽ lập một kỳ tích mang dấu ấn thời đại.

Đồng quan điểm với thạc sỹ Nguyễn Nữ Hoàng Anh, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá cao ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa. Bởi nếu được triển khai, dự án không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội.

Cần có sự tính toán kỹ lưỡng

Ý tưởng của đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá, du lịch, tâm linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) là rất táo bạo, khả thi. Đề án đã từng được dư luận đặc biệt quan tâm. Song để bắt tay vào thực hiện còn nhiều điều phải bàn.Cần phải tìm được giải pháp tổng thể của cả hệ thống.

Từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Song hiện nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được.

2.jpg

Nhiều người dân Thủ đô quan tâm về dự án và số phận của sông Tô Lịch.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: “ Dự án Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh sông Tô Lịch cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập. Cùng với đó, cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ”.

Đề xuất, giải pháp cải tạo sông Tô Lịch là những nội dung rất cần được nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô tới đây. Tuy nhiên, phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với các sông đấu nối và hệ thống thoát nước…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn , việc tính toán cường độ thoát nước 500m3/2 giờ đòi hỏi đầu tư lớn, phải mở rộng tuyến cống ở các dự án đã và đang triển khai, nâng công suất các trạm bơm hiện có. Vì vậy, đây là nội dung cần nghiên cứu sâu để đáp ứng về mặt kỹ thuật. Đề xuất làm hầm thoát nước kết hợp đường cao tốc dài 11km dọc sông Tô Lịch là những giải phải tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất.

Tiến sỹ Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc cho rằng, tiêu chí tuyển chọn các biểu tượng văn hóa cần được chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng. Cần thành lập hội đồng bao gồm các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học để chọn lọc những danh nhân văn hóa thật tiêu biểu của mỗi thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh sông Tô Lịch