Hội nghị toàn quốc về cải cách tư pháp

Mai Đỉnh| 28/03/2022 15:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 28/3, TANDTC tổ chức Hội nghị toàn quốc về cải cách tư pháp. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Nguyễn Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ IV, Ban Nội chính Trung ương và Vũ Ngọc Thái, Phó Vụ trưởng Vụ 1A, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Về phía TANDTC có các Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Du; Thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ các đơn vị thuộc TANDTC. Hội nghị được kết nối trực tuyến với gần 800 điểm cầu trên cả nước với tổng số hơn 12.000 đại biểu tham dự.

hoi-nghi-toan-quoc4(1).jpg
Hội nghị toàn quốc về cải cách tư pháp

Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TANDTC nguyễn Hòa Bình giới thiệu qua nội dung về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam, trong đó nêu rõ những vấn đề đặt ra như: Vì sao phải cải cách tư pháp; Quan điểm, mục tiêu cải cách tư pháp; Nhiệm vụ và giải pháp cải cách tư pháp; Lộ trình thực hiện; Nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời khẳng định cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là bảo vệ quyền con người, trên cả thể chế và thực tiễn.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Nghị quyết số 49 -NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, có hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện làm cơ sở pháp lý cho hệ thống cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp là một quá trình đổi mới tiếp nối liên tục trên tất cả các phương diện cơ bản: phương diện tư duy lý luận, thực tiễn. Đây là một xu thế liên tục, phổ biến trên thế giới và Việt Nam.

hoi-nghi-toan-quoc3(1).jpg
PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị.

Chánh án cho rằng, những năm qua công tác cải cách tư pháp trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn tồn tại những bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân. Công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và tồn tại cần được tháo gỡ.

Nhấn mạnh về quan điểm của cải cách tư pháp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng, cải cách tư pháp cần tuân thủ nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực; do Đảng lãnh đạo; tăng cường quyền uy tư pháp; dựa trên yêu cầu phát triển KT-XH; lấy nhân dân làm trung tâm; tiến hành đồng bộ với cải cách lập pháp, hành pháp, hay tiến hành CCTP với quyết tâm chính trị cao, khẩn trương, đồng bộ; xác định rõ những nội dung trọng tâm, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân…

hoi-nghi-toan-quoc1(1).jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm

Đối với mục tiêu cần xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, nghiêm minh. Tòa án có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, bảo đảm quyền tài phán quốc gia; Xây dựng nhân lực của Tòa án trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái; đổi mới và cơ cấu lại các chức danh tư pháp; Đổi mới tổ chức bộ máy, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn tư pháp; nâng cao chất lượng và uy tín để Tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý; Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử.

Nhấn mạnh nhiệm vụ và giải pháp cải cách tư pháp, Chánh án đưa ra 9 giải pháp lớn cần đẩy mạnh: Xây dựng nền tư pháp vì nhân dân, bảo vệ quyền uy tư pháp; Xác định nội hàm, đặc trưng, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; Hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp; Đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp; Nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án; Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực; Xây dựng Tòa án điện tử; Tăng cường hợp tác quốc tế; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

hoi-nghi-toan-quoc2(1).jpg
Hội nghị được kết nối trực tuyến với gần 800 điểm cầu với tổng số hơn 12.000 đại biểu tham dự.

Đối với lộ trình thực hiện, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng công tác cải cách tư pháp cần thực hiện theo hai giai đoạn, từ nay đến năm 2030 và sau 2030. Theo đó, nhiệm vụ đột phá cần đưa ra là xây dựng Tòa án độc lập, theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; Xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp; Giao đủ thẩm quyền và tăng cường năng lực cho Tòa án; Nâng cao uy tín và bảo vệ quyền uy tư pháp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án: Chuyên nghiệp, trí tuệ, bản lĩnh, nhân ái, tận tụy và công tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị toàn quốc về cải cách tư pháp