Hội nghị Sochi: Đòn bẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - ASEAN

Nhật Minh| 20/05/2016 08:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN được đánh giá là sự kiện trọng đại, khẳng định vị thế đặc biệt của ASEAN trong chính sách ngoại giao của Liên bang Nga.

Được xây dựng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, hợp tác ASEAN - Nga ngày càng mở rộng kể từ khi Nga trở thành đối tác đối thoại của ASEAN vào năm 1996.

Với Moscow, hợp tác với ASEAN sẽ giúp tăng cường vị thế của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương. Bởi, với số dân khoảng 630 triệu người, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.570 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, ASEAN có vị trí khá quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như trong sự phát triển năng động chung của khu vực.

Trong khi đó, tiếng nói của Nga trên trường quốc tế đã được khẳng định trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế liên quan đến hòa bình và an ninh toàn cầu, mà gần đây nhất là cuộc xung đột Syria, hạt nhân Tehran… 

Hội nghị Sochi: Đòn bẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - ASEAN

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN "Hướng tới Đối tác chiến lược vì lợi ích chung"

Chính vì vậy, việc Nga tăng cường quan hệ với ASEAN, tham gia các cơ chế khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với vai trò chủ động hơn, không chỉ giúp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương, mà còn giúp Nga nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của mình đối với tại khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này.

Việt Nam và Liên Xô (cũ) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 1/1950. Đến năm 2001, hai nước quyết định nâng tầm quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga thành Đối tác chiến lược, và đến năm 2012 là Đối tác chiến lược toàn diện.

Từ năm 2008, Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng.

Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết nhiều văn kiện cấp Nhà nước và Chính phủ, một cơ sở pháp lý đồ sộ cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới.

Năm năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước ASEAN đã tăng gấp đôi và đạt con số kỷ lục 21,5 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu so sánh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, thì hợp tác Nga - ASEAN, xét một cách toàn diện, chưa tương xứng với thế mạnh vốn có của mỗi bên.

Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động như hiện nay, cả Nga lẫn ASEAN đều phải đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên quy mô toàn cầu, khu vực lẫn từng quốc gia. Đặc biệt, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện nay không chỉ còn là vấn đề của một quốc gia hay một khu vực cụ thể nào, mà là vấn đề đòi hỏi sự chung tay hợp tác của các nước trên toàn thế giới.

Mặt khác, nước Nga hiện trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và bị cô lập do tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây với cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong khi đó, Cộng đồng ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn bởi những khác biệt, chênh lệch giữa các quốc gia thành viên làm cản trở quá trình hội nhập và xây dựng một ASEAN vững mạnh. Những khó khăn nội tại của cả Cộng đồng ASEAN và Liên bang Nga khiến hai bên có nhu cầu xích lại gần nhau hơn cũng như nâng tầm quan hệ lên một cấp độ mới.

Trong quá trình phát triển quan hệ với ASEAN, Nga luôn coi nước ta là cầu nối quan trọng và hiệu quả để Moscow hội nhập khu vực Đông Nam Á, đồng thời hi vọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga sẽ là hình mẫu để Nga thúc đẩy quan hệ với toàn khối ASEAN.  Việt Nam lại rất coi trọng quan hệ với Liên bang Nga, coi Nga là anh em, người bạn lớn, là đối tác chiến lược toàn diện, bền chặt thủy chung.

Trả lời phỏng vấn RIA Novosti trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Sochi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, Hội nghị cấp cao lần này - với chủ đề “Hướng tới Đối tác chiến lược vì lợi ích chung” - là đòn bẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga - ASEAN, đồng thời giúp củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ nước ta sang Nga tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ Nga- ASEAN.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng. Trong khi đó, ông Ngô Xuân Lịch cũng lần đầu tiên thăm Nga với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng. Điều đó cho thấy chúng ta rất coi trọng quan hệ với Nga.

Hội nghị Sochi: Đòn bẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp tổng thống Putin tại Sochi. Ảnh: Tuổi Trẻ

20h15 (giờ Việt Nam) ngày 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin. Nhấn mạnh “quan hệ hai nước chúng ta hết sức đặc biệt”, Tổng thống Putin bày tỏ vui mừng khi kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 27% trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi Nga là người anh em, người bạn lớn, là đối tác chiến lược toàn diện, bền chặt thủy chung.

Trước đó, tối 16/5, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Dmitry Medvedev đánh giá cao chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; coi đây là biểu tượng của sự tin cậy, của mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Sochi: Đòn bẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - ASEAN