Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Trang Trần| 23/09/2022 14:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 23/9, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội và chủ trương của lãnh đạo TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng- Phó Chánh án TANDTC; đồng chí TS. Nguyễn Văn Bường- Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đồng chí Phạm Văn Cần- Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. Các đồng chí đại diện lãnh đạo TAND 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

tacc-23-9-hoinghi-1.jpg
Đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban Cán sự đảng- Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bường- Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 (Nghị quyết 33) đã đi vào cuộc sống. Hệ thống TAND cả nước đang tích cực xét xử trực tuyến đạt được những thành tích quan trọng. Trên tinh thần đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mặc dù trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ, về cơ sở vật chất, về con người nhưng với sự nỗ lực tích cực tối đa của các đồng chí Thẩm phán, Thư ký, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán của tập thể lãnh đạo, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, truyền tải một cách có hiệu quả Nghị quyết số 33 và chủ trương của lãnh đạo TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Hoàng- Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng trình bày báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, xác định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu của Tòa án. Ngay từ đầu năm 2022, tập thể lãnh đạo TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch về xét xử trực tuyến để triển khai, tích cực thực hiện chủ trương đúng đắn, sát thực tiễn này và bước đầu đã đạt được nhiều thành công. 

Từ ngày 1/8/2022, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo TANDTC, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã được lắp đặt 1 phòng xét xử trực tuyến, kết nối với 12 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện việc xét xử trực tuyến được tốt hơn và số lượng vụ án xét xử trực tuyến được nâng lên. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo nên các phiên tòa trực tuyến của TAND cấp cao tại Đà Nẵng diễn ra đảm bảo tại các điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các bị cáo, đương sự tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

tacc-23-9-hoinghi-2.jpg
Đồng chí TS.Nguyễn Văn Bường- Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội nghị.

Tính đến ngày 23/9/2022, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tổ chức xét xử được 133 phiên tòa trực tuyến các loại án như hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại… Trong đó, nhiều vụ án hành chính, cầu truyền hình, cầu trực tuyến được kết nối đến tận Văn phòng TAND cấp tỉnh, các cấp chính quyền địa phương. Các phiên tòa trực tuyến mang lại hiệu quả cao, đảm bảo các quy định về tố tụng, tiết kiệm được chi phí, tiền bạc, vật chất, thời gian, công sức cho đương sự, chính quyền và Tòa án.

Đặt biệt, được sự đồng ý của Chánh án TANDTC, ngày 22/8/2022, đồng chí Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã làm chủ tọa và đồng chí Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thực hiện quyền công tố 2 phiên tòa rút kinh nghiệm (1 án hành chính và 1 vụ án hình sự) bằng hình thức trực tuyến được kết nối đến các điểm cầu của hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát 3 cấp của 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực qua sự điều phối của Trung tâm Tin học – Vụ Tổng hợp TAND tối cao để các đồng chí Thẩm phán, thư ký, Thẩm tra viên và Kiểm sát viên cùng tham dự và góp ý rút kinh nghiệm. 

Ngay sau đó, ngày 23/8/2022 thực hiện việc trao đổi, rút kinh nghiệm từ điểm cầu trung tâm TAND cấp cao tại Đà Nẵng với hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát 3 cấp của 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực cũng bằng hình thức trực tuyến. Đây được đánh giá là bước đột phá áp dụng phiên tòa rút kinh nghiệm thông qua hình thức trực tuyến cho các TAND khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. 

  Báo cáo nêu, Nghị quyết 33 của Quốc hội cũng như chủ trương của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có một ý nghĩa đặc biệt to lớn, không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, xã hội. Các chủ trương này xuất phát từ thực tiễn và đã trở về phục vụ thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ bởi lẽ phục vụ cho nhân dân một cách tốt nhất. 

Cũng tại Hội nghị, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn gặp phải khi triển khai thực hiện Nghị quyết 33. Trong đó, những thuận lợi như: đơn vị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Ban cán sự đảng và các đồng chí lãnh đạo TANDTC. Cùng với sự quyết tâm, quyết đoán của lãnh đạo TAND cấp cao tại Đà Nẵng, các đồng chí thẩm phán trong việc truyền tải chủ trương đúng đắn này vào đời sống xã hội nên việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đã đạt được kết quả nổi bật.

Việc đưa công nghệ hiện đại vào để tổ chức phiên tòa trực tuyến rất có lợi cho chính quyền, người dân và xã hội. Địa bàn miền Trung - Tây Nguyên trải dài hàng ngàn km, mỗi lần đi xét xử rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức. Tổ chức một phiên tòa nếu vì tố tụng mà không xét xử được phải hoãn rất mất thời gian cho chính quyền, người dân, cho đương sự và cho cả cơ quan tòa án. Vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án giúp cho việc giải quyết án được kịp thời. 

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cũng gặp phải những khó khăn, tồn tại như, một vài lỗi sự cố do đường truyền kết nối, chất lượng đường truyền có lúc âm thanh và hình ảnh không tốt, vì vậy đôi lúc có những ngôn ngữ, âm thanh người địa phương khi phát biểu nói khó nghe… Việc giao nhận, bàn giao bị cáo tại phiên tòa và sau khi kết thúc phiên tòa còn nhiều vướng mắc. Việc phối hợp với Tòa án địa phương trong tổ chức phiên tòa trực tuyến còn nhiều vấn đề phải thống nhất.

 Nhằm đảm bảo cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến ngày càng tốt hơn và đạt hiệu quả, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ban cán sự đảng TANDTC xem xét đề xuất, kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số Bộ Luật tố tụng liên quan đến công tác xét xử trực tuyến cho phù hợp với Nghị quyết số 33 của Quốc Hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Lãnh đạo TANDTC cần chỉ đạo xuyên suốt việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đến các TAND từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo sự phối, kết hợp và hỗ trong công tác xét xử, tránh tình trạng các TAND cấp cao triển khai xét xử trực tuyến nhưng các TAND không có sự phối hợp.

 Nhà nước nên quan tâm tiếp tục đầu tư và hoàn hiện về hệ thống trực tuyến trong hệ thống TAND để đảm bảo sự đồng bộ về công nghệ. TANDTC có hướng dẫn cụ thể về người có thẩm quyền quản lý bị cáo bị tạm giam trong quá trình xét xử trực tuyến bởi vì hiện nay hầu hết các cơ sở giam giữ chưa kết nối được điểm cầu thành phần vì chưa có hệ thống truyền hình trực tuyến đảm bảo các điều kiện quy định tại Thông tư, Thông tư liên tịch… 

Hội nghị cũng được nghe 5 tham luận, ý kiến của 5 đơn vị TAND các tỉnh Quảng Ngãi; Quảng Nam; TT-Huế; Quảng Bình và Kon Tum. Trên cơ bản, các đơn vị đều khẳng định việc triển khai thực hiện xét xử bằng hình thức trực tuyến bước đầu đã chứng minh được tính đúng đắn của Nghị quyết 33 và sự chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, chính trị không chỉ cho Tòa án mà cho cả các đương sự, đã phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. 

tacc-23-9-hoinghi-3.jpg
Đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC và đồng chí Nguyễn Văn Bường- Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng đồng chủ trì Hội nghị

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, 5 đơn vị Tòa án cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc qua đó kiến nghị TANDTC sớm có các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo… để sớm tháo gỡ, nhằm đạt kết quả tốt hơn trong thời gian đến. Trong đó, những khó khăn như công tác phối hợp giữa Công an trại tạm giam chưa hiệu quả, thậm chí ở một số địa phương không nhận được sự phối hợp từ Công an vì lý do Công an địa phương chưa nhận được chỉ đạo từ Công an Trung ương. Cho nên, TANDTC cần có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị Công an địa phương phối hợp vì nghị quyết của Quốc hội là dành cho tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không riêng gì Tòa án, cần phải có sự phối hợp của các bên.

Trang thiết bị, kỹ thuật, cơ sở vật chất, con người… còn thiếu cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, một số vấn đề qua quá trình thực tiễn đặt ra như: chưa có hướng dẫn cụ thể cho các trường hợp chuyển giao hồ sơ, tài liệu khi đương sự cung cấp tại phiên tòa ở điểm cầu thành phần, cách tiếp nhận, bàn giao như thế nào? Cách lưu giữ, bảo quản file phiên tòa trực tuyến như thế nào?.. Việc giao nhận, bàn giao bị cáo tại phiên tòa và sau khi kết thúc phiên tòa… cũng cần được TANDTC hướng dẫn cụ thể…

tacc-23-9-hoinghi-4.jpg
TAND 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên ký kết quy chế phối hợp công tác xét xử trực tuyến với TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC đánh giá rất cao cách triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 33 và chủ trương của lãnh đạo TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên. 

“Qua báo cáo sơ kết của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, qua 5 ý kiến, tham luận tại hội nghị đã rút ra được nhiều bài học để trong thời gian đến triển khai được tốt hơn. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây chính là phiên tòa trực tuyến nhưng phải đảm bảo quyền tố tụng cho các đương sự. Những ý kiến của TA các tỉnh, thành phố đã nêu rõ tình hình thực tiễn, thực tế, chỉ ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đến các tòa án địa phương. Mặc dù quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn nhưng tòa án địa phương đã tìm mọi cách để thực hiện và thực hiện hiệu quả. Thay mặt lãnh đạo TANDTC, tôi xin gửi lời cảm ơn đến VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND các tỉnh, thành phố, các đơn vị Công an trại tam giam, tạm giữ… thời gian qua đã phối hợp, giúp tòa án làm tốt công tác xét xử trực tuyến. Trong thời gian đến, mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của các đơn vị để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên tòa trực tuyến”, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC chia sẻ.

tacc-23-9-hoinghi-5.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Liên quan đến kiến nghị của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và các đơn vị Tòa án tỉnh, thành phố, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC thay mặt lãnh đạo TANDTC tiếp thu, ghi nhận, đồng thời đối với một số nội dung liên quan, đồng chí Phó Chánh án cũng đã đề nghị lãnh đạo các vụ của TANDTC lưu ý.

Cũng tại Hội nghị, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tiến hành ký kiết quy chế phối hợp công tác xét xử trực tuyến giữa đơn vị với TAND 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến