Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã chính thức khai mạc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hội nghị dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 12/12.
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) năm nay với chủ đề "Gắn kết - Hành động - Hiệu quả" sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính, bao gồm theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển đổi năng lượng, giải quyết vấn đề tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho cộng đồng, cũng như tăng cường mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cuộc họp diễn ra tại Dubai Expo City, một thành phố triển lãm hiện đại do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) xây dựng đặc biệt cho riêng các sự kiện liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng sẽ tập trung vào các chương trình đại biểu khí hậu cho giới trẻ và gian trưng bày dành cho người bản địa, tìm kiếm giải pháp bảo vệ 80% đa dạng sinh học của thế giới. COP28 hứa hẹn là một bước quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.
Trong ngày khai mạc, nước chủ nhà UAE nhắc lại lời kêu gọi đẩy nhanh hành động về khí hậu. Chủ tịch COP28, Tiến sĩ Sultan Al Jaber nói: “Những người đã cam kết phải hành động”, đồng thời bác bỏ tuyên bố UAE có ý định sử dụng sự kiện này để đạt được các thỏa thuận thương mại về dầu khí.
Tiến sĩ Al Jaber nhấn mạnh mục tiêu chính của COP năm nay là giữ mục tiêu nóng lên toàn cầu tối đa 1,5 độ C như đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris 2015 và kêu gọi các quốc gia đoàn kết trong việc thực hiện mục tiêu này.
COP28 đặc biệt quan trọng vì nó đánh dấu lần đánh giá đầu tiên trong 5 năm về tiến trình cắt giảm khí thải của các quốc gia để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, được gọi là Kiểm kê toàn cầu.
Các nhiệm vụ quan trọng khác bao gồm thiết lập quỹ tổn thất và thiệt hại để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương phục hồi sau thiệt hại liên quan đến khí hậu và sửa đổi cam kết của các nước phát triển tại COP26 nhằm tăng gấp đôi tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu vào năm 2025.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai tuần tại Expo City của Dubai dự kiến sẽ thu hút hơn 70.000 đại biểu, bao gồm các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo thế giới, các tổ chức phi chính phủ, công ty và các nhóm thanh niên.
Danh sách tạm thời các diễn giả cấp cao bao gồm Tổng thống Israel Isaac Herzog, cũng như Thủ tướng Arab Saudi, Hoàng tử Salman Al Saud, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, và nhiều người khác.
Về sự tham gia của Mỹ, Washington thay đổi kế hoạch vào giờ chót. Hôm qua, 29/11, Nhà Trắng ra thông báo cho biết ‘‘Tổng thống đã yêu cầu Phó Tổng thống Kamala Harris thay mặt ông dự COP28, để thể hiện vị thế lãnh đạo của nước Mỹ về khí hậu’’. Phó Tổng thống Harris sẽ tới Dubai vào ngày mai, 01/12, ngày thứ hai của hội nghị.
Cũng tại Dubai, trả lời báo giới hôm qua, đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải thứ hai và thứ nhất thế giới (với 40% tổng lượng khí thải toàn cầu), đã ‘‘quyết định phối hợp các nỗ lực cho sự thành công của COP28’’, bởi ‘‘không có hành động kiên quyết của Trung Quốc và Mỹ, thế giới sẽ không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này’’.
Đặc phái viên khí hậu Mỹ khẳng định nước này sẽ thúc đẩy để nội dung ‘‘tăng tốc từ bỏ sử dụng các năng lượng hóa thạch mà không có các phương tiện thu giữ khí thải CO2’’ được ghi vào Tuyên bố chung của COP28.
Ngoài hơn 100.000 người được cấp giấy chính thức dự hội nghị, theo ban tổ chức, COP28 dự kiến mở cửa cho khoảng 400.000 người dân. Công chúng có thể tham gia vào nhiều hoạt động được tổ chức bên lề các cuộc đàm phán, như hòa nhạc, triển lãm, hay hội thảo. Để tham gia, chỉ cần đặt chỗ miễn phí trên mạng.
Theo lịch trình của nước Chủ nhà UAE, các sự kiện quan trọng sẽ lần lượt diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, tuy nhiên cũng có thể kéo dài hơn kế hoạch để đạt được kết quả đàm phán, như đã từng xảy ra trong các kỳ hội nghị trước đây.