Mới đây, Tạp chí Tòa án đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tới dự hội nghị có các Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên; lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ông Lê Phúc Hỷ, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Tòa án đã chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Cùng với Báo Công lý, Trang thông tin điện tử TANDTC, Tạp chí Tòa án nhân dân là một trong các cơ quan thông tin tuyên truyền của Tòa án nhân dân tối cao; là cơ quan ngôn luận, có nhiệm vụ nghiên cứu, lý luận khoa học pháp lý, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động xét xử và xây dựng hệ thống Tòa án.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Phúc Hỷ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí cho biết, với kinh nghiệm 60 năm hình thành và phát triển (1954-2014), trong quá trình hoạt động đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích khoa học pháp lý, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nhiều năm liền Tạp chí TAND đã vinh dự được Chánh án TANDTC tặng thưởng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hàng năm và đột xuất.
Chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền của Tạp chí Tòa án đã có sự thay đổi về nhiều mặt, trước hết là sự cải tiến về thể thức xuất bản: Từ chỗ chỉ có 32 trang nội dung, xuất bản 01 kỳ/tháng; nhưng trước yêu cầu thông tin – tuyên truyền về TAND ngày càng cao, đòi hỏi nội dung và tần suất tuyên truyền cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, từ năm 2004 đến nay, Tạp chí TAND đã được Lãnh đạo TANDTC và Bộ Thông tin – Truyền thông quan tâm, đồng ý và cho phép cho nâng cấp lên 48 trang nội dung và xuất bản tháng 02 kỳ. Đây là một thuận lợi cho hoạt động thông tin – tuyên truyền của Tạp chí TAND trong 10 năm trở lại đây.
Nội dung tuyên truyền cũng đã có những cải tiến, đổi mới trong việc xây dựng các chuyên mục, các chuyên trang bám sát các vấn đề nóng của đời sống pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống TAND theo chỉ đạo của Lãnh đạo TANDTC.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về công tác tuyên truyền cũng như những nội dung cần đăng tải mà tạp chí hướng đến. Nhiều đại biểu có chung nhận xét, Tạp chí có chuyên mục trao đổi ý kiến rất bổ ích đối với những người làm công tác nghiên cứu cũng như công tác chuyên môn. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực chuyên môn, Tạp chí cần mở rộng thêm nội dung, tăng cường số chuyên đề ví dụ chuyên đề về luật tổ chức Tòa án hay triển khai Hiến pháp; một số mục bằng tiếng Anh vẫn chưa rõ nội dung nhắm vào đối tượng nào. Nên có mục kinh nghiệm của nước ngoài để người đọc có thể tham khảo, nội dung phong phú hơn.
Nhiều ý kiến cũng đánh giá, tầm lan tỏa của Tạp chí rất lớn nhưng cũng có những hạn chế, như nhiều lĩnh vực của hệ thống Tòa án chưa được nắm bắt kịp thời; đội ngũ cộng tác viên, chủ yếu cán bộ trong hệ thống, các chuyên gia, các trường đại học hay các ngành bạn chưa nhiều, nội dung chưa phong phú nên hạn chế về chiều sâu chuyên môn trong một số lĩnh vực khác như kinh tế, hành chính. Đội ngũ cộng tác viên nhiệt huyết để viết bài vẫn chưa có sự gắn kết sâu sắc với Ban biên tập. Do vậy Tạp chí cần làm thế nào đó để cộng tác viên tham gia nhiệt tình hơn.
Ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã đánh giá những thành tích đạt được trong thời gian qua đồng thời chia sẻ những khó khăn thực tế hiện tại. Ông cho rằng, Tạp chí với 48 trang và phát hành 2 kỳ/tháng thì thời lượng hơi mỏng, dù có tham vọng nhiều nội dung cũng khó có thể đạt được. Do đó trước mắt nội dung cần có đột phá, tăng trang, tăng kỳ, các chuyên mục tăng và phong phú hơn. Bên cạnh đó cần có những nội dung tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thông tin cần tiếp cận để có thể tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài. Bên cạnh đó, cần làm các chuyên đề cho Tòa án các tỉnh thành trong nước, như vậy sẽ thu hút được cộng tác viên khu vực đó, không chỉ sâu về nội dung mà thu hút sự quan tâm của địa phương đó.
Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng TANDTC Kiều Văn Thùy cũng nhận xét, Tạp chí Tòa án là cẩm nang cho những người trực tiếp làm công tác xét xử. Hệ thống tổ chức và hệ thống tổ chức của Tòa án cần được tập trung trong các bài viết nhằm nâng cao chất lượng xét xử trong hệ thống Tòa án cần có các nghiên cứu trao đổi, định hướng trong công tác thi đua khen thưởng.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hồng - Tổng Biên tập Báo Công lý nhận định, qua quá trình cộng tác, thấy rằng Tạp chí Tòa án với đội ngũ cán bộ dù mỏng nhưng vẫn làm tốt công tác nghiên cứu và cho ra đời những ấn phẩm phục vụ cho các cơ quan Tòa án. Tuy nhiên, Ban Biên tập cần nghiên cứu nâng cao làm rõ nội hàm của khái niệm tuyên truyền. Bởi Tạp chí không phải chỉ đơn thuần là tuyên truyền mà chủ yếu làm công tác nghiên cứu khoa học. Trong quá trình nghiên cứu khoa học có rất nhiều vấn đề đặt ra nên mong muốn thời gian tới sẽ tăng dung lượng, tăng trang…để đáp ứng nhu cầu đề ra.
Kết luận hội nghị, ông Lê Phúc Hỷ đã cảm ơn các đại biểu, các CTV đã đến tham dự Hội nghị và có những đóng góp tâm huyết để nội dung Tạp chí ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu mà hệ thống Tòa án đề ra. Đồng thời tăng cường phối hợp với TAND các tỉnh và cố gắng có kế hoạch để đưa tạp chí đến gần với các cơ quan tố tụng khác hơn.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình mặc dù bận công tác không tham dự hội nghị nhưng cũng đã có thư gửi đến hội nghị.
Trong thư, Chánh án đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các đồng chí đại biểu, các Cộng tác viên của Tạp chí Tòa án nhân dân, đã nhiệt tình cộng tác, giúp đỡ, góp phần vào thành tích tuyên truyền của Tạp chí Tòa án nhân dân trong thời gian vừa qua.
Đồng thời khẳng định, là một trong lực lượng thông tin – tuyên truyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Tòa án nhân dân với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, lý luận khoa học pháp lý, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn xét xử, các đồng chí cần đổi mới phương thức tuyên truyền, nắm bắt kịp thời, đón đầu những vấn đề nóng của thực tiễn đời sống pháp luật, đi đầu trong việc tổng kết thực tiễn, đề xuất những phương án, giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt nhất quyền tư pháp mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định cho Tòa án nhân dân.
Nhân Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Tòa án nhân dân, Chánh án yêu cầu Tạp chí Tòa án nhân dân và các vị cộng tác viên trong thời gian tới chú trọng thông tin – tuyên truyền vào một số vấn đề có tính lý luận khoa học sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội hàm của quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thực tiễn đặc thù của đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì quyền tư pháp của Tòa án cần được hiểu và thực thi như thế nào để đảm bảo Tòa án thực hiện đúng đắn, đầy đủ của khái niệm này. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những vấn đề mới nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách tư pháp và Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.
Thứ hai, cần nghiên cứu làm rõ hơn việc Tranh tụng tại Tòa án, đảm bảo để Tòa án thực hiện tốt việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tránh phiến diện, oan sai trong xét xử. Vấn đề này, cần có những bài viết sâu sắc, có lý luận và thực tiễn, tham gia góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các Luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, lao động và các Luật khác, làm cơ sở cho việc xây dựng, hoàn thiện các luật tố tụng tới đây.
Thứ ba, Tạp chí cần huy động, phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia pháp lý có uy tín, các Nhà khoa học Luật có kinh nghiệm thực tiễn, có lý luận sắc bén để xây dựng các bài viết liên quan đến các vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, các vấn đề liên quan đến hoạt động xét xử và xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự trong tình hình mới hiện nay. Đồng thời, các cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của hệ thống Tòa án, tự giác, nhiệt tình đóng góp ý kiến qua các bài viết trên tạp chí, nêu rõ những vướng mắc trong áp dụng pháp luật trong xét xử các loại vụ án, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của các Bộ luật, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo thực hiện đúng đắn với trách nhiệm cao nhiệm vụ được giao.
Thư tư, trên Tạp chí Tòa án nhân dân, cần có những bài viết nghiên cứu sâu về Bộ máy hành chính – Tư pháp tại Tòa án, tham khảo các mô hình các Tòa án quốc tế, đưa ra các mô hình có tính khả thi, thích hợp với thực tiễn xét xử của nước ta, làm cơ sở cho việc xây dựng một bộ máy Hành chính – Tư pháp chuẩn mực, đủ năng lực giúp việc cho Lãnh đạo Tòa án, đảm bảo cho sự độc lập xét xử trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và thực hiện các nội dung Hiến định.
Là cơ quan ngôn luận, có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn hoạt động xét xử, trao đổi kinh nghiệm trong chuyên môn nghiệp vụ, đề xuất những sáng kiến, giải pháp thích hợp…Tạp chí Tòa án nhân dân cần phấn đấu trở thành một đơn vị đi đầu trong việc đưa ra những phát kiến, những kiến giải khoa học để góp phần xây dựng những Đề án, kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao trong chỉ đạo, điều hành chung toàn hệ thống Tòa án nhân dân.
Chánh án Trương Hòa Bình cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo TAND các cấp, các vị Cộng tác viên của Tạp chí Tòa án nhân dân trong cả nước, các Nhà Khoa học, các chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm, tiếp tục nhiệt tình dành thời gian, đóng góp trí tuệ và công sức, nghiên cứu và xây dựng các bài viết có chất lượng, tham gia cộng tác với Tạp chí, góp phần vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học pháp lý nước nhà, phát triển hệ thống Tòa án nhân dân, đóng góp vào việc bảo vệ công lý, củng cố và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.