Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường lần thứ 5: Cam kết nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường

Quang Huy| 08/12/2015 21:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 4 và 5/12, tại tỉnh Siêm Riệp, Vương quốc Campuchia, Tòa án tối cao các nước ASEAN đã tổ chức Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường lần thứ 5.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa dẫn đầu Đoàn đại biểu TANDTC Việt Nam tham dự Hội nghị.

Với chủ đề “Hợp tác giữa Tòa án các nước ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề môi trường xuyên quốc gia”, Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN gồm: Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tiến hành họp 9 phiên để đánh giá toàn diện các vấn đề về môi trường của các nước ASEAN. Tại các phiên họp, lãnh đạo Tòa án tối cao mỗi nước đã báo cáo tiến độ thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta, Kế hoạch hành động Hà Nội; giới thiệu về những hoạt động và sự phát triển của pháp luật môi trường quốc tế, vai trò của Tòa án trong công tác bảo vệ môi trường.

Các diễn giả đã trình bày những khó khăn trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; kinh nghiệm của các quốc gia, trong đó chú trọng đến quy trình đánh giá tác động môi trường cũng như vai trò của Tòa án trong việc đảm bảo sự cân bằng này. Các diễn giả thảo luận phương pháp đánh giá thiệt hại môi trường, vai trò của việc áp dụng biện pháp đánh giá thiệt hại môi trường phù hợp trong việc giải quyết các vụ án môi trường, kết quả và những khó khăn mà Tòa án gặp phải trong công tác này.

Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường lần thứ 5: Cam kết nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và Chánh án TATC Campuchia Munthy 

Về xác định những vấn đề liên quan đến việc thực thi các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường, các đại biểu trình bày những ưu và nhược điểm của các chế tài xử phạt quy định trong hệ thống pháp luật mỗi quốc gia; việc áp dụng các biện pháp xử lý lựa chọn hoặc các biện pháp chế tài sáng tạo nhằm xử lý và ngăn ngừa tội phạm môi trường. Về làm sạch và khắc phục hậu quả môi trường, các Thẩm phán đã trình bày những thuận lợi, khó khăn thường hay gặp trong việc xác định trách nhiệm khắc phục hậu quả môi trường và thảo luận những vụ án quan trọng liên quan đến nội dung này.

Về tổng quan các vấn đề môi trường quốc gia và xuyên quốc gia, lãnh đạo Tòa án tối cao các nước đã xác định những vấn đề môi trường khác nhau của các quốc gia và những vấn đề môi trường chung của các quốc gia trong khu vực, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề này của quốc gia mình. Về quyền khởi kiện vì lợi ích công về môi trường, các nước đã cùng nhau chia sẻ và xác định những lợi ích của cơ chế khởi kiện vì lợi ích công về môi trường cũng như những khó khăn trong việc khởi kiện theo cơ chế này. Mỗi quốc gia có những chia sẻ về khởi kiện vụ án vì lợi ích công đối với môi trường điển hình trong hệ thống Tòa án của mình…

Tại Hội nghị, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và Thẩm phán TANDTC Đặng Xuân Đào đã điều phối phiên họp “Tương trợ tư pháp trong việc giải quyết các vấn đề môi trường xuyên quốc gia”. Trong đó, TANDTC Việt Nam nhấn mạnh những lợi ích của cơ chế tương trợ tư pháp giữa hệ thống Tòa án các quốc gia ASEAN đối với giải quyết các vấn đề môi trường xuyên quốc gia và việc giải quyết các vụ án môi trường có tác động đến nhiều hệ thống Tòa án khác nhau. Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa nêu rõ quan điểm về những vấn đề môi trường xuyên quốc gia cần có sự hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm của hệ thống Tòa án quốc gia mình trong việc hợp tác với các hệ thống Tòa án khác.

Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị đã xem xét và thông qua “Tuyên bố Angkor về hợp tác tư pháp trong lĩnh vực môi trường”. Nội dung Tuyên bố ghi nhận khu vực ASEAN hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng, trong đó có các vấn đề môi trường xuyên quốc gia. Hội nghị cam kết tiếp tục hợp tác nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội và Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta; khẳng định tầm quan trọng và nhu cầu trao đổi thông tin, hợp tác trong đào tạo pháp luật môi trường.

Trên tinh thần đoàn kết hữu nghị, Chánh án các nước ASEAN tham dự Hội nghị về môi trường lần thứ 5 đồng ý và khẳng định tiếp tục chia sẻ thông tin giữa các Tòa án ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của khu vực như thông tin về thẩm quyền xét xử, hệ thống pháp luật môi trường và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật môi trường; thúc đẩy hoạt động đào tạo pháp luật môi trường tại các trường đại học luật và cơ sở đào tạo tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường lần thứ 5: Cam kết nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường