“Hội chứng” ngán ngẩm… chung cư

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với những nước phát triển, chung cư là lựa chọn lý tưởng cho đại đa số người dân thành thị.

Ở Việt Nam, sau hàng loạt tranh chấp giữa chủ đầu tư và đồng chủ sở hữu về diện tích công cộng, chỗ để xe, phí dịch vụ… cuộc sống của các hộ dân ở chung cư đã trở nên căng thẳng, làm ngán ngẩm nhiều người đã “trót” bỏ tiền để sở hữu căn hộ chung cư.

Khu đô thị phía Tây Hà Nội (Ảnh minh họa)

Sống chung với… kiện

Sau những tranh chấp của chủ đầu tư và đồng chủ sở hữu ở Phú Mỹ Hưng (Tp. Hồ Chí Minh), Ciputra, Trung Hòa - Nhân Chính, Licogi 13, 88 Láng Hạ, Keangnam (Hà Nội)… Nhiều người mới giật mình vì bỏ ra số tiền quá lớn để “mua” bực tức và sống chung với khiếu kiện. Đơn cử như tại chung cư Licogi 13, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, chủ đầu tư lấn chiếm tầng mái, lối đi chung.

Sau khi người dân khiếu kiện, báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng vào cuộc, chủ đầu tư mới từ bỏ “biến tầng thượng thành chuồng cọp”, nhưng vẫn chiếm lối đi chung làm ki-ốt bịt kín lối thoát hiểm. Mới đây nhất là tự ý nâng phí dịch vụ lên 150.000 đồng/tháng, bất chấp ý kiến phản đối của người dân.

Đó là chưa kể phí dịch vụ cao, những cầu thang máy, lối đi chung bẩn thỉu nhếch nhác, bảo vệ lơ lỏng, an ninh bất ổn vì thế đã từng xảy ra cướp vàng trong thang máy, ăn trộm xe máy ở tầng hầm, ăn trộm tay nắm cầu thang, cửa kính…

Hay tại chung cư Keangnam (Hà Nội), được mệnh danh là chung cư chất lượng và cao cấp nhất Việt Nam, thì các hộ dân tại đây cũng “chịu nạn”: Phí trông giữ xe ôtô 20.000 đồng/2 giờ, phí trông giữ xe máy qua đêm 60.000 đồng; phí trông giữ xe ôtô theo tháng 1.462.000 đồng, trong khi đó các hạng mục khác như thang máy, trần nhà, thiết bị điện… không đảm bảo.

Sở Tài chính Hà Nội mới đây đã lập biên bản vi phạm hành chính, truy thu khoảng 50 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư Keangnam chấm dứt ngay việc thu phí gửi xe cao hơn quy định. Phản ứng lại, chủ đầu tư Keangnam cắt giảm nhân viên bảo vệ, cắt điều hoà trong thang máy, không bật hệ thống thông gió ở hành lang, tháo bớt đèn chiếu sáng ở các sảnh…

Tương tự, cư dân tại toà nhà G2 (Ciputra) cho biết: Liên tục trong 5 năm qua, phí dịch vụ tại dự án này tăng như phi mã. Từ mức 2.544 đồng/m2/tháng năm 2006, năm nay phí dịch vụ đã lên 6.300 đồng/m2/tháng với mức tăng trung bình là 30% mỗi năm. Với mức phí mới, một căn hộ rộng 148m2 sẽ phải đóng phí dịch vụ là 932.400 đồng/tháng, tương đương khoảng 11,2 triệu đồng/năm.

Hay tại chung cư Tân Mỹ (quận 8, Tp. Hồ Chí Minh) thang máy chung cư Tân Mỹ thường hỏng hóc, một người dân cho biết: “Hàng tháng mọi người vẫn nộp đầy đủ tiền đi thang máy, vậy mà thang máy lại hay cà giựt. Ngoài sự cố thang máy, bà con còn phải chịu đựng cảnh dơ bẩn ở lối đi chung, tình trạng đèn chiếu sáng nơi hành lang bị hư hỏng...

“Thượng đế”… quay lưng

Trước việc thị trường bất động sản đang đóng băng, chung cư mất giá nghiêm trọng, nhiều chủ đầu tư bán chung cư giá gốc, mua chung cư được chiết khấu từ 5-10%, hay mua chung cư có thưởng… Nhưng thị trường nhà chung cư vẫn ế ẩm “trăm người bán, một người mua”.

Chị Nguyễn Thị Thoa (Yên Khánh - Ninh Bình) cho biết: “Tôi có hai cháu đang học đại học ở Hà Nội, một cháu sắp ra trường, gia đình dành dụm được ít tiền định mua chung cư cho cháu, nhưng các cháu nhất định không nghe. Các cháu cho biết, chung cư hiện nay tuy giảm giá nhưng phí dịch vụ quá cao, tranh chấp thường xuyên xảy ra. Các cháu là học sinh ở quê lên, không thể đi theo khiếu kiện được”.

Anh Hoàng (Tp. Nam Định) cho biết: “Tôi định mua chung cư cho con, nhưng thấy tivi, đài báo nói nhiều đến khiếu kiện nên cũng ngại. Tôi vào công cụ tìm kiếm google gõ cụm từ “chung cư khiếu kiện”, chỉ trong 0,19 giây đã có 2.250.000 kết quả. Tôi “choáng” tìm lựa chọn khác là nhà đất trong ngõ, và nhà đất ngoại ô”.

Chị Loan, Văn phòng nhà đất Khu đô thị Văn Quán, Hà Nội nhận xét: Sau một thời gian dài “sốt”, hiện nay chung cư rất ế ẩm. Theo tôi, chung cư ở Hà Nội “có mọc lên như nấm” trong vòng 10 năm tới vẫn chưa đáp ứng dược nhu cầu nhà ở, nhưng nhiều khách hàng “sợ” chung cư vì chất lượng dịch vụ, giá cả cũng như tranh chấp triền miên giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu…

Trước thực tế hàng ngày cư dân nhiều chung cư phải sống chung với khiếu kiện, bức xúc, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra ý kiến, chính quyền địa phương nơi có các chung cư trong tình trạng trên cần phải khẩn trương và quyết liệt vào cuộc mới hạn chế được tình trạng tranh chấp.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chính quyền thành phố nên cụ thể hoá các quy định quản lý nhà chung cư và giá dịch vụ, đồng thời có các mức chế tài như rút giấy phép kinh doanh, xử phạt… đối với các chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành.

Cũng về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Dư (Ninh Bình) cho biết: Hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng (đồng chủ sở hữu chung cư) đã khá hoàn thiện. Chủ sở hữu chung cư (tức các hộ dân sống ở chung cư) có quyền quản lý và bảo vệ tài sản của mình bằng cách thành lập Ban quản trị tòa nhà để quản lý, vận hành tòa nhà theo quy định của pháp luật. “Trong trường hợp chủ đầu tư đang tạm quản lý tòa nhà chung cư, cũng chỉ là đối tác, hay nói cách khác là đang làm thuê cho các chủ sở hữu…” - ông Dư nói.

Đây là một gợi ý hay và theo tìm hiểu của phóng viên, không chịu được cảnh chèn ép của chủ đầu tư, cách đây 3 năm, cư dân chung cư I9, Vinaconex 1, Thanh Xuân, Hà Nội đã thành lập Hội đồng quản trị, quản lý tòa nhà. Kết quả, giá dịch vụ chỉ có 70.000/tháng, phí trông giữ ô tô 500.000 đồng/tháng, đó là chưa nói đến việc ốm đau, hiếu hỷ của cư dân được Ban quản trị tòa nhà thăm nom động viên, cuộc sống của mọi người đầy “tình làng nghĩa xóm”. Đây là mô hình tốt cho những cư dân chung cư khác có thể học tập và áp dụng.

Hồng Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hội chứng” ngán ngẩm… chung cư