Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Nguyễn Sự - Hương Thủy| 24/09/2014 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 24/9, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Học viện (9/1949-9/2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu. 

Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước; các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức và học viên thuộc hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Tới dự và chung vui với cán bộ, giáo viên, học viên của Học viện còn có nhiều vị Đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện, GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Cách đây 65 năm, vào đầu năm 1949, Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương (Khóa I), đã quyết định thành lập hệ thống trường Đảng các cấp. Sự ra đời của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mở ra những trang sử mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước ta.

Trong suốt 65 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều tên gọi khác nhau, Học viện đã không ngừng ngừng phát triển, trưởng thành, cả về quy mô, số lượng và chất lượng . C ác thế hệ lãnh đạo, đội ngũ các nhà giáo, cán bộ khoa học, công chức, viên chức của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chung sức, chung lòng, phát huy cao độ tinh thần lao động sáng tạo, xây dựng Học viện phát triển về mọi mặt, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận của Đảng. Học viện đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, cán bộ lý luận chính trị cho hệ thống chính trị. Nhiều cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện đã trưởng thành, đảm nhận những cương vị cao trong cơ quan lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước, cán bộ quản lý chủ chốt ở Trung ương và địa phương.

Với những đóng góp to lớn trên vị thế là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận của Đảng, Nhà nước, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống,Học viện lại vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong 65 năm qua. Tổng Bí thư chỉ rõ: Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta là phải đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn cao, có khả năng tập hợp, tổ chức công việc giỏi ở tất cả các ngành, các cấp, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược. Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò của Học viện và những thành tích mà các đồng chí đã đạt được, đồng thời cũng đòi hỏi trong thời gian tới, Học viện phải có nhiều nỗ lực, sáng tạo mới, thực hiện trọng trách là một Trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đóng vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng lý luận, giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội.

Đề cập công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - nhiệm vụ trung tâm của Học viện, Tổng Bí thư yêu cầu: Cần đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; cả về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và tác phong, phương pháp công tác. Học viện phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập; đổi mới công tác tuyển sinh, công tác quản lý học viên, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập; chú ý việc đào tạo theo chức danh, gắn học tập kiến thức lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng với kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phương pháp công tác phù hợp với từng đối tượng, từng chức danh cán bộ. Trong tình hình hiện nay, Học viện cần đặc biệt chú trọng yêu cầu rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ to lớn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với Học viện. Học viện cần coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn đặt ra, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh phản bác những quan điểm thù địch và luận điệu sai trái; phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trên cơ sở những định hướng chiến lược ấy để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu cụ thể, các đề án tổng kết thực tiễn thiết thực; kết hợp việc nghiên cứu cơ bản, dài hạn với việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, phục vụ các hoạt động thực tiễn. Tổng Bí thư lưu ý: Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, cần quan tâm xây dựng toàn diện Học viện, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ cao về chuyên môn, có vốn sống thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo; chú trọng phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà giáo, các nhà khoa học đầu đàn có kinh nghiệm, có uy tín trong và ngoài Học viện. Đồng thời, Học viện cần hết sức coi trọng việc nâng đỡ, khuyến khích các tài năng trẻ, tạo cơ hội và động lực cho cán bộ trẻ phát triển; mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng các mặt công tác khác, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng trong nội bộ Học viện.

Tổng Bí thư nhắc nhở: Là trường Đảng cao cấp mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn ai hết, các đồng chí phải hết sức chú trọng và gương mẫu chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho đảng bộ Học viện thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, thể hiện như một hình mẫu để học viên đến học tập ở Học viện tham khảo.

Tổng Bí thư căn dặn các học viên từ mọi miền đất nước được về học tập, nghiên cứu tại trường Đảng mang tên Bác Hồ là một vinh dự lớn. Mỗi học viên cần ý thức sâu sắc rằng, vào Học viện học tập là để nâng cao kiến thức các mặt, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học nhằm vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, đồng thời để rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng, với truyền thống và kinh nghiệm đã tích lũy được qua 65 năm xây dựng và trưởng thành; với quyết tâm chính trị được hình thành và thúc đẩy bởi những quyết định trọng đại của Đảng và Nhà nước; với một đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, gồm nhiều thế hệ có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, nhất định Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những đóng góp lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh