Học Bác để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Nam Phương| 13/09/2016 14:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với TAND đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, luôn có tính thời sự và đã trở thành những tư tưởng chỉ đạo mang ý nghĩa chiến lược cho hoạt động của Tòa án nhân dân.

Xác định Tòa án là một thiết chế đặc biệt quan trọng trong bộ máy chính quyền nhân dân, ngay từ những ngày đầu lập nước (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến công tác Tòa án. Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của hệ thống tư pháp, tư pháp là một hệ thống trọng yếu của chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Tòa án đã nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, trừng trị nghiêm khắc các phần tử phản động, dập tắt âm mưu nổi loạn, cướp chính quyền của địch, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Tháng 2/1948, trong một bức thư gửi đến Hội nghị Hội nghị tư pháp toàn quốc, Bác ân cần căn dặn: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao gương "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" cho nhân dân noi theo. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, việc phát triển hệ thống tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói, tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Đảng dìu dắt.

Tại Hội nghị cán bộ tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng.

Đối với cán bộ, đảng viên, công chức nói chung, cán bộ Tòa án nói riêng, Người yêu cầu, vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ - đạo đức cách mạng, nghĩa là: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Xuất phát từ quan niệm “dân là chủ và dân làm chủ”; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Chính phủ, cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của dân, phải nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Với cán bộ, đảng viên, cần nhận thức rõ, nêu cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là mục đích và bản chất của Đảng.

Học Bác để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Bác Hồ làm việc trong Phủ Chủ tịch  (Ảnh: Đinh Đăng Định)

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bản Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân hết sức rộng lớn và sâu sắc. Trước hết là ở nhận thức về Tổ quốc, về nhân dân, về vị trí, vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức. Dân là chủ, là gốc của nước. Cán bộ là công bộc, là đày tớ của dân. Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ của mọi cán bộ, công chức, là gốc của mọi công việc. Đó cũng là những vấn đề cốt lõi của việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Trải qua chặng đường 71 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân đã từng bước trưởng thành, phát triển ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Tòa án nhân dân đã qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ đã ghi dấu, minh chứng các cuộc cải cách tư pháp đó.

Cùng với việc tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác Tòa án, các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong những năm qua Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trương chỉ đạo toàn hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp thường xuyên, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, quán triệt, học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, “Tận tụy phục vụ nhân dân” để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Quán triệt sâu sắc lời di huấn của Bác Hồ, từ năm 2007 đến nay, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân thường xuyên phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống Tòa án với khẩu hiện xuyên suốt là: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” ; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với việc khắc phục những tồn tại sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW4 (Khóa XI).

Học Bác để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương

Đặc biệt, từ tháng 12/2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế Thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp. Các cuộc thi đã tạo nên động lực thúc đẩy các cán bộ, Thẩm phán trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân thi đua nâng cao chất lượng xét xử, tích cực tu dưỡng rèn luyện đạo đức. Nhiều đơn vị Tòa án đã tổ chức cuộc thi “Thư ký giỏi”, cùng nhiều phong trào thi đua khác, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân các cấp. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân có sáng kiến tổ chức thi “Thẩm phán giỏi”, lựa chọn vinh danh “Thẩm phán ưu tú”, “Thẩm phán mẫu mực” nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, Thẩm phán thi đua rèn luyện phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo động lực xây dựng Tòa án nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát huy truyền thống vẻ vang, với trọng trách “Thực hiện quyền tư pháp”, với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà Hiến pháp quy định và nhân dân Việt Nam đã tin tưởng giao phó… cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp càng thấm thía và quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án.

 Với bề dày xây dựng và phát triển, với những đổi mới tích cực, những cải cách đúng đắn, sự nỗ lực của cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp trên các mặt công tác… các Tòa án nhân dân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân, cán bộ, công chức, Thẩm phán, viên chức, người lao động trong các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong cả nước nguyện phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp; nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới đất nước, củng cố nền pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ. 

Làm cán bộ, tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi học suốt đời mới thuộc được” -Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học Bác để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân