Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án

Đỗ Việt| 17/09/2018 18:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 2 ngày (17, 18/9), tại Hà Nội, TANDTC phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tòa Phá án Pháp tổ chức Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án.

Tham dự buổi Tọa đàm có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền; Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC và đại diện Tòa án nhân dân một số tỉnh phía Bắc.

Về phía Đại sứ quán Pháp, có bà Blanche Henry Ecouellan, cán bộ pháp lý Đại sứ quán Cộng hòa Pháp; bà Laurence Mézin, Trưởng phòng Tư pháp – Luật - Quản trị, Hợp tác hành chính và phân quyền Đại sứ quán Cộng hòa Pháp; bà Nicole Planchon, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp; ông Patrick Matet, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp.

Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại buổi Tọa đàm

Pháp biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và Nhân dân; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó Tòa án đóng vai trò hết sức quan trọng.

Khẳng định Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án là hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống TANDTC Việt Nam đang nỗ lực tiến hành cải cách, hoàn thiện hệ thống tư pháp và pháp luật, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền mong muốn qua 2 ngày tọa đàm, các Thẩm phán Tòa Phá án Pháp sẽ giới thiệu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình về vấn đề phòng chống tham nhũng, phương thức tuyên truyền, phổ biến các bản án, quyết định của Tòa án, cũng như kinh nghiệm về tranh tụng tại Tòa Phá án Pháp.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Patrick Matet, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp bày tỏ mong muốn góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam; đảm bảo cùng phía Việt Nam triển khai có hiệu quả những chương trình hợp tác đã được hai bên ký kết trong Thỏa thuận hợp tác.

Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Về tội phạm tham nhũng, Thẩm phán Patrick Matet cho rằng, tuy về tình hình thực tế, quy định pháp luật của mỗi nước có khác biệt nhưng đây là vấn nạn chung của tất cả các nước nên việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết, góp một phần quan trọng vào hoạt động phòng, chống tội phạm tham nhũng của mỗi nước.

Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh đã khái quát Quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng-một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng của Việt Nam; trong đó, tập trung giới thiệu khái niệm về tham nhũng; quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng; một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng.

Về khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng của Việt Nam, có khó khăn từ chính các chủ thể của nhóm tội phạm tham nhũng; khó khăn, vướng mắc từ các văn bản pháp luật liên quan; về công tác giám định thiệt hại về tài sản; về ủy thác Tư pháp.

Chủ thể của nhóm tội phạm tham nhũng thường là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, quan hệ hiểu biết xã hội rộng, có điều kiện kinh tế để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Thủ đoạn phạm tội rất tinh vi vì các đối tượng tham nhũng thường có quan hệ chặt chẽ với nhau, có thông tin khép kín trong phạm vi nhất định. Hành vi tham nhũng nhiều khi được che chắn thậm chí là có sự đồng lõa của những người có chức vụ, quyền hạn ở cấp cao hơn. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý tham nhũng là hết sức khó khăn.

Mặt khác, đối với việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài (nhất là việc sử dụng vốn đầu tư, mua sắm), việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài hoặc không đạt được yêu cầu điều tra. Đồng thời, do có sự khác biệt về pháp luật giữa Việt Nam với các nước nên kết quả công tác phối hợp tương trợ tư pháp còn nhiều hạn chế. Vấn đề hợp tác quốc tế, dẫn độ trong các vụ án này cũng gặp nhiều khó khăn, không nhận được sự hỗ trợ của bên ngoài.

Tại buổi tọa đàm, các Thẩm phán Tòa Phá án Pháp đã chia sẻ về công tác phòng, chống tham nhũng; về nguyên tắc tranh tụng theo quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp.

Ngày mai (18/9), các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp; về tranh tụng tại phiên tòa theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn áp dụng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án