Tòa án đã phối hợp rất tích cực trong công tác thi hành án dân sự

Quốc Huy| 27/11/2017 18:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là phát biểu của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 2018 mới đây.

Có sự phối hợp thường xuyên của Tòa án

Theo Báo cáo của Tổng Cục THADS (Bộ Tư pháp), năm 2017, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số thụ lý mới tăng gần 47 nghìn việc (5,57%) và trên 28 nghìn tỷ đồng (19,67%) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng), song các cơ quan thi hành án đã thi hành xong gần 550 nghìn việc và trên 35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19 nghìn việc và trên 6 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.

 Trong đó, kết quả thi hành đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng đạt gần 4.500 việc và gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1 nghìn việc và hơn 8 nghìn tỷ đồng; giá trị thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tăng gần 1,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016. Những kết quả đạt được góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; trực tiếp giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số những hạn chế. Đó là, năm 2017, số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền, còn gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành…; Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài; còn số lượng khá lớn tài sản chưa bán đấu giá thành hoặc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được; Thủ trưởng một số cơ quan thi hành án chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đối thoại, tiếp công dân, không xử lý dứt điểm vụ việc từ cơ sở dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài còn chậm….

Công tác thi hành án hành chính được chú trọng, nhưng kết quả còn hạn chế.  Năm 2017, số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp. Nhiều trường hợp Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án (40 trường hợp) cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm.

Ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng, Tổng cục THADS cho biết, kế hoạch năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu và triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được giao. Các cơ quan THADS cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, tinh gọn thủ tục thi hành án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, hành chính.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, những hoạt động của Bộ Tư pháp giữ vai trò quan trọng, đặc biệt đối với các TAND trong cả nước, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Những thành công, hạn chế, tồn tại đều có tác động nhất định đến những khó khăn, hạn chế của cơ quan Tòa án. Trong nhiều năm qua TANDTC đã tăng cường chỉ đạo TAND các cấp thực hiện công tác phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác THADS; khắc phục tình trạng bản án tuyên khó thi hành. Gần đây TANDTC- VKSNDTC-Bộ Tư pháp đã ký kết Thông tư liên tịch số 06, trong đó có những quy định quan trọng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan nói trên.

Tòa án đã phối hợp rất tích cực trong công tác thi hành án dân sự

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại hội nghị

Tòa án thường xuyên phối hợp, trao đổi với Bộ Tư pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để công tác THADS đạt hiệu quả. Trong đó có việc: chuyển giao bản án cho cơ quan thi hành án kịp thời; giải thích, sửa chữa bổ sung bản án kịp thời khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án; khắc phục tình trạng án tuyên không rõ ràng và công tác báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế nhất định, như việc chuyển bản án đôi khi còn chậm chưa kịp thời, bản án tuyên một số trường hợp chưa rõ, khi cơ quan thi hành án yêu cầu giải thích còn chậm…TANDTC sẽ chỉ đạo khắc phục.

Phó Chánh án cũng cho biết, hiện nay tại khoản 4, Điều 217 Bộ luật TTDS 2015 có quy định: Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Tư pháp về vấn đề này nên đây cũng là những khó khăn của các Thẩm phán khi xét xử sơ thẩm lại vụ án. Cùng với đó đề nghị Bộ Tư pháp rà soát lại những quy định có liên quan đến công tác thi hành án dân sự, hành chính để giúp các Thẩm phán giải quyết vụ án được thuận lợi hơn.

Xử lý nghiêm công chức vi phạm

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá: Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính còn một số điểm cần lưu ý. Đó là, THADS cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu về việc và về tiền, tuy nhiên, số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, gần 144 nghìn việc và gần 57 nghìn tỷ đồng; Số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (76,45%). Hiện tượng này cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm; Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài; còn số lượng khá lớn tài sản chưa bán đấu giá thành hoặc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được;… Do vậy, trong năm 2018 đề nghị hệ thống THADS khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội.

 Năm 2018, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành, nâng cao chỉ tiêu về việc, tiền, đặc biệt là trong thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Bộ Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan thi hành án các địa phương tập trung xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án; đối với các tài sản bán đấu giá nhiều lần, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế để các ngân hàng nhận tài sản. Các cơ quan thi hành án cần tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn hệ thống.

Bộ Tư pháp cần tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thi hành án hành chính; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật;

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, trước mắt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các UBND cấp tỉnh chưa thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án để chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành án hành chính theo quy định; công khai xử lý các công chức, viên chức thực hiện không đúng nghiệp vụ, không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân.

Đồng thời đề nghị TANDTC tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển giao bản án, quyết định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án đã phối hợp rất tích cực trong công tác thi hành án dân sự