TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Thu Vân| 16/02/2018 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Toà án được xem là một lĩnh vực hết sức đặc thù, không chỉ đặc thù trong chuyên môn xét xử, mà ngay trong chính mục tiêu hệ thống TAND không ngừng theo đuổi đó là xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý.

Có lẽ chính mục tiêu cao quý đó mà người dân nhìn nhận, đánh giá khắt khe hơn, kỳ vọng cao hơn vào TAND so với nhiều ngành khác. Mừng thay khi năm 2017 qua đi, mùa xuân mới lại về khi dư luận đã có những hiệu ứng rất tích cực về hệ thống TAND, người dân đã hài lòng hơn và đặt niềm tin sâu sắc vào những người Thẩm phán sau mỗi phiên toà.

TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử

Không để xảy ra án oan

Năm 2017, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục triển khai thực hiện tích cực Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... TAND bước vào triển khai công tác với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra về nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử. Khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải; tập trung làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; từng bước thực hiện việc công khai hóa các bản án, quyết định của Tòa án; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mở rộng nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp để tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài...

Lãnh đạo TANDTC đã chủ động đề ra nhiều giải pháp rất cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Trên cơ sở quán triệt chỉ đạo của TANDTC, TAND các cấp đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng công tác giải quyết xét xử các loại vụ án mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Việc thực hiện công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nói riêng trên Trang thông tin điện tử kết nối trực tuyến đến 778 điểm cầu thuộc các TAND cấp cao, TAND và TAQS các cấp là một trong những giải pháp đột phá của hệ thống TAND nhằm nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường trách nhiệm và kỷ luật theo tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Đây cũng chính là cơ chế để người dân kiểm soát hoạt động tư pháp nói chung và công tác của Toà án nói riêng. Đồng thời giúp Thẩm phán tự nâng cao trách nhiệm qua đó tuyển chọn một cách chính xác các Thẩm phán có năng lực và trình độ, góp phần xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, đủ tâm, đủ tầm. Việc Tòa án công bố các bản án, quyết định cũng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, là phương thức để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của TANDTC vào tháng 9/2017 với sự tham gia của 1.000 đại biểu là Chánh án TAND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TANDTC, lãnh đạo TAQS Trung ương và các TAND cấp cao. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung được nêu trong dự thảo báo cáo, đặc biệt là 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian tới. Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, TANDTC đã chủ trương ban hành văn kiện để các TAND bám sát triển khai thực hiện trong đơn vị mình. Đây được đánh giá là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Tòa án. Kết quả đạt được của hội nghị một lần nữa khẳng định chủ trương của TANDTC là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và đòi hỏi thực tiễn công tác xét xử.

Cũng chính từ việc bám sát Nghị quyết, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và đề ra những giải pháp cụ thể mà hệ thống TAND trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó đặc biệt là nâng cao được chất lượng, hiệu quả trong công tác xét xử. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2017 đã kết luận: “Công tác xét xử của TAND các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt được áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật”.

Người dân đồng thuận, tin tưởng sâu sắc vào cơ quan bảo vệ công lý

Một điều đáng ghi nhận mang tính cốt lõi trong mọi hoạt động là những người cán bộ Toà án năm qua đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ, không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án, phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng” để biến thành hành động. Nhiều vụ án lớn đưa ra xét xử trong năm qua đã nhận được sự đồng thuận cao, ghi nhận phản ứng tích cực từ phía dư luận có cái nhìn tốt đẹp về hệ thống TAND như vụ án VN Pharma, vụ Hà Văn Thắm…

Trong đó nổi bật là phiên tòa do TAND TP.HCM xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã nhận được sự hoan nghênh, đồng thuận cao của dư luận. Phiên toà diễn ra trong 5 ngày để lại ấn tượng khó quên không chỉ cho những người tham gia phiên tòa, mà giới chuyên môn cũng đánh giá cao và co iphiên tòa như hình mẫu trong cải cách tư pháp.

TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga được sự hoan nghênh, đồng thuận của dư luận

LS Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng "Ở phiên tòa này, Chủ tọa Vũ Thanh Lâm và HĐXX đã làm đúng luật và làm rất tốt, đảm bảo được quyền của bị cáo, của các luật sư, HĐXX và VKS, đảm bảo để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đều có cơ hội làm rõ sự thật vụ án”.

Theo TS Vũ Thị Thúy: “Vụ án xét xử bị cáo Phương Nga ban đầu thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội bởi bị cáo là người nổi tiếng. Tuy nhiên sau đó, dư luận chuyển hướng quan tâm đến những diễn biến bất ngờ, đầy kịch tính của phiên tòa. Đó là những tín hiệu tích cực về kết quả của quá trình cải cách tư pháp theo hướng bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ở Việt Nam”.

Đặc biệt, phiên tòa cũng đã đem lại nhiều cảm xúc cho những người xem, chứng kiến. Sự kỹ lưỡng, thận trọng, đi sâu vào từng chi tiết của vụ án, xét hỏi một cách tỉ mỉ; đồng thời, tôn trọng từng phần việc của luật sư các bên, khai báo của nhân chứng, tính tranh tụng trong xét xử của Thẩm phán Vũ Thanh Lâm đã khiến dư luận cảm nhận rõ ông muốn đi tìm đến cùng sự thật của vụ án, họ hoàn toàn thấy tin tưởng vào cán cân công lý mà Thẩm phán đang nắm giữ. Chẳng thế mà lâu rồi mới có một kết thúc phiên tòa nhiều cảm xúc có cả nước mắt, nụ cười xúc động và những tiếng vỗ tay hoan nghênh, đồng tình của người dân đối với vị Chủ tọa phiên tòa.

Một sự kiện thu hút nhiều dư luận tích cực đối với Toà án trong năm qua không thể không kể đến phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội cùng với cử tri cả nước dù ở tầm vĩ mô như giải quyết vướng mắc trong các vụ việc BHXH kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm; về xây dựng và phát triển án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai… hay tới những vụ án cụ thể Hà Văn Thắm, Châu Thị Thu Nga… đều đã được người đứng đầu hệ thống Tòa án giải đáp thoả đáng.

Từng câu trả lời của Chánh án giống như mở ra từng cánh cửa giúp các đại biểu, cử tri và người dân cả nước hiểu sâu sắc hơn về công việc và người làm công tác tư pháp. Cử tri Nguyễn Thị Lành (TP Hạ Long) chia sẻ: “Nội dung rất mới là trước đây hồ sơ vụ án được trả đi trả lại rất nhiều lần, nhưng đã được Chánh án TANDTC thông tin là sẽ chỉ tiếp nhận đến lần thứ hai. Đây là bước tiến trong quy trình xử lý hồ sơ”. Hay cử tri Nguyễn Thành Minh, ở quận Gò Vấp, TP.HCM nhận xét: “Chánh án TANDTC đã nhìn nhận vấn đề thấu đáo, trả lời sát vấn đề, không né tránh. Trong đó, một vấn đề cử tri rất quan tâm là đơn tồn đọng ở cấp giám đốc thẩm quá nhiều. Qua phần trả lời của Chánh án, cử tri hiểu được khó khăn là trước đây ở Tòa án cấp tỉnh, thành có thể giải quyết đơn giám đốc thẩm thì giờ dồn hết về Tòa án cấp cao nên khó giải quyết kịp, dẫn đến tồn đọng. Đặc biệt là Chánh án cũng đưa ra giải pháp nâng cao năng lực cấp giám đốc thẩm và bổ sung nhân sự để giải quyết vấn đề này”.

Đối với vụ án oan 28 năm giết chồng, giết cha dưới chân đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo, chị Lò Thị Ngọc Liên, người dân tổ 5, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, Điện Biên cho biết: “Vụ án đã được TAND tỉnh Điện Biên công khai xin lỗi. Qua theo dõi, tôi thấy Quốc hội và Chánh án đã ghi nhận và hứa sẽ giải quyết trong thời gian tới khiến bản thân tôi cũng như người dân ở đây cảm thấy rất yên tâm vào pháp luật…”.

Những gì làm được trong năm qua của hệ thống TAND không chỉ khiến những người làm công tác tư pháp thấy tự hào mà người dân cũng vô cùng phấn khởi. Đất nước đang trên đà hội nhập phát triển đổi mới, nền tư pháp theo đó cũng sẽ không ngừng cải cách theo hướng tiến bộ nhằm xây dựng, vun đắp niềm tin của người dân ngày càng sâu sắc hơn vào sự hiển hiện của công lý.

Xuân đang tới, trong niềm tin và hy vọng mới, người dân cả nước mang trong mình hành trang là những tình cảm yêu mến, sự cảm thông với những khó khăn vất vả của những người làm công tác tư pháp và sự kỳ vọng lớn vào cam kết của người đứng đầu cơ quan bảo vệ công lý - Chánh án Nguyễn Hòa Bình: “Không có một quốc gia nào đánh giá là mình có nền tư pháp hoàn hảo, cuộc sống luôn luôn vận động và các đòi hỏi của người dân thì ngày càng cao. Thực tế diễn ra luôn phong phú hơn các quy định của pháp luật, nên nhu cầu cải cách tư pháp là nhu cầu tất yếu và thường xuyên. Là Chánh án TANDTC, tôi luôn mong muốn tiến đến sự hoàn thiện nhất để phục vụ nhân dân. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để phục vụ tốt nhất cho dân”.

TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Ông Tô Văn Tám (ĐBQH tỉnh Kon Tum): Điểm sáng trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của hệ thống TAND năm 2017 là công tác xét xử, giải quyết các loại án đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy thấp so với số lượng vụ án đã thụ lý, xét xử. Đáng lưu ý là trong giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để vượt quá thời hạn giải quyết, tỷ lệ này chỉ là 0,03%. Thực trạng đó thể hiện sự nỗ lực cao của hệ thống Tòa án, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, cử tri và dư luận đánh giá cao sự nỗ lực đó.


TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Ông Nguyễn Thái Học (ĐBQH tỉnh Phú Yên): Trong nhiệm kỳ qua, Toà án đã có những bước chuyển biến rất tích cực. Một trong những điểm mà các ĐBQH và các cử tri đánh giá rất cao là tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Toà án. Cụ thể trong các phiên toà, chất lượng tranh tụng được chú trọng và đề cao. Cùng với vai trò của luật sư, VKS trong quá trình tranh luận, đưa ra chứng cứ và yêu cầu tại phiên toà không ngừng được nâng lên về chất lượng. Vì thế, bản án do Toà án tuyên đảm bảo được tính khách quan, tính minh bạch. Người dân tin vào phán quyết của Toà án, tin vào việc Toà án là cán công lý đem lại sự công bằng sau mỗi phiên toà.


TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Ông Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH TP.HCM): Với những vụ án khởi tố, bắt oan sai cần xem xét sai về cái gì, sai về tiêu cực hay sai về thiếu trách nhiệm, đi sâu đánh giá cụ thể nguyên nhân của các sai phạm đó. "Nhân dân rất chờ đợi tất cả vụ án oan sai phải được các cấp, nhất là Tòa án - khâu trung tâm của cải cách tư pháp, phát hiện, đánh giá đúng, bảo vệ quan điểm trước CQĐT và cơ quan truy tố". 


TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân

Ông Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH tỉnh Bến Tre): Để Tòa án thực sự tạo được chỗ dựa vững chắc, thực sự trở thành trụ cột cho tất cả các cơ quan tư pháp và là biểu tượng công lý với mỗi người dân, cần làm được 3 điều: Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định là “các Tòa án” chứ không phải “ngành Tòa án” - đó cũng là tinh thần của Hiến pháp. Thứ hai, trong công tác cán bộ làm thế nào để Thẩm phán phải đủ bản lĩnh đưa ra những phán quyết chứ không thể né tránh bằng việc “xin ý kiến” những vụ án phức tạp. Thứ ba, trong công tác cán bộ, cần khắc phục tình trạng Thẩm phán thiếu kiên quyết khi đưa ra phán quyết của mình trong những vụ án khó. Họ lo sợ sẽ phải hứng chịu “búa rìu” khi tái bổ nhiệm. Nên để an toàn, Thẩm phán thường chọn cách báo cáo xin ý kiến về chủ trương xét xử cho yên tâm. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND năm 2017 qua “lăng kính” của người dân