Lắng nghe dư luận và ý kiến phản biện để có quyết định đúng đắn là hết sức cần thiết

Nhóm PV| 28/04/2020 12:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là phát biểu của GS Sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc về việc lựa chọn Vua Lý Thái Tông là nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án đặt tại trụ sở TANDTC.

PV: Hiện đang có nhiếu ý kiến khác nhau liên quan đến việc TANDTC chọn nhân vật Vua Lý Thái Tông làm Nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi công tác tại Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong quá trình triển khai chủ trương này, TANDTC có đề nghị Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đứng ra làm đầu mối tổ chức thực hiện lấy ý kiến của các nhà khoa học trong việc lựa chọn nhân vật nào được coi là biểu tượng hay tiêu biểu nhất cho hoạt động về xét xử, về pháp luật của Tòa án.

Lắng nghe dư luận và ý kiến phản biện để có quyết định đúng đắn là hết sức cần thiết

ĐBQH Dương Trung Quốc

Cũng giống như ngành Tư pháp đã chọn cụ Lý Thánh Tông, người đã để lại dấu ấn đậm nét bởi “Bộ luật Hồng Đức” của thời đại cũ, cũng như hệ thống quản lý và cai trị đất nước; ngành Y tế, chọn cụ Hải Thượng Lãn Ông là nhân vật tiêu biểu… thì ngành Tòa án chọn Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử cũng là chuyện hết sức bình thường.

Tôi cho rằng xu thế này là phù hợp và cần thiết, bởi vì chúng ta xây dựng một nền tảng, một nhà nước, một xã hội thì vẫn luôn luôn phải tôn trọng giá trị truyền thống, giá trị đó tạo dựng nên nền tảng của nền văn hiến quốc gia. Đây là sức sức mạnh mà chúng ta ngày càng nhận thức được.

Vì vậy, khi ngành Tòa án đặt vấn đề phối hợp để lựa chọn nhân vật chúng tôi rất đồng tình. Qua quá trình chọn lựa và lấy ý kiến với sự đồng thuận cao, chúng tôi đã chọn được 15 nhân vật. Ngành Tòa án cũng đã rất thận trọng trong việc này, thậm chí lấy cả ý kiến trong ngành… để lựa chọn ra nhân vật Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng.

Hiện nay, nếu như dư luận có ý kiến cho rằng chọn nhân vật này là chưa phù hợp, vậy có thể có những ý kiến đề xuất nhân vật khác chăng? Chúng tôi nghĩ rằng, ngành Tòa án vẫn nên tiếp tục lắng nghe để nếu có thể chọn nhân vật khác theo đề xuất và dựa trên những tiêu chí mà ngành Tòa án đặt ra.

PV: Xin ông có thể cho biết vì sao chọn nhân vật Vua Lý Thái Tông mà không phải là nhân vật khác?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Khi chọn Vua Lý Thái Tông chúng tôi thấy rằng cụ là người gắn liền với triều đại nhà Lý. Nhà Lý trong lịch sử được ví như là Triều đại mở ra nền văn hiến dân tộc. Trong văn hiến thì nền tảng thuật cai trị đất nước là rất quan trọng. 

Khi phân tích tất cả các yếu tố ấy, chúng tôi cân nhắc tại sao không phải là lựa chọn một ông quan mà lại là một vị Vua, là bởi vì ông quan có thể tham gia vụ án  xét xử cụ thể. Nhưng rõ ràng ở thể chế lúc đó, thì vai trò của Vua rất lớn, kể cả trong việc lập pháp cũng như hành pháp, tư pháp; gần như là nơi tập trung quyền lực tối cao ở đây. Cho nên Lý Thái Tông chính là người xây dựng Bộ luật Hình thư đầu tiên để lại nhiều dấu ấn về cai trị thượng tôn pháp luật nhưng rất nhân văn.

Cụ cũng vừa là người trực tiếp tham gia vào hoạt động xét xử, ban hành luật pháp và truyền lại trách nhiệm cho những người sau bằng cách đào tạo, giáo dục con trai để trở thành một vị Vua anh minh sau khi kế vị…

Và có một chi tiết nữa tôi cho là cũng rất ý nghĩa, đó là việc cụ cho treo một cái chuông để những người dân bị oan hoặc có ý kiến gì có thể thể hiện được chính kiến của mình…

Việc lựa chọn nhân vật được tiến hành trong cả quá trình dài với các cuộc hội thảo, tham khảo kỷ yếu… TANDTC cũng đã xin ý kiến trong ngành và các Bộ ngành đều nhận được sự đồng thuận cao.

PV: Vậy theo ông có cần thiết dựng tượng Vua Lý Thái Tông tại trụ sở mới của Tòa án hay không?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Như tôi đã đề cập đến ở trên, cũng giống như các ngành khác, việc lựa chọn đó của Tòa án là hết sức bình thường. Đương nhiên khi nói đến dựng tượng thường là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Thứ nhất: Dựng tượng nó có tiêu biểu không cả về mặt mỹ thuật, cả về mặt ý nghĩa… Và điều này vẫn là vấn đề khá nóng trong xã hội, đòi hỏi phải có sự thận trọng trong quá trình làm. Thứ hai là lựa chọn đó có hình thức chủ nghĩa không, gây lãng phí không, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đây cũng là những câu hỏi mà trong quá trình làm việc các lãnh đạo của ngành Tòa án cũng rất quan tâm. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra tương đối cụ thể là bởi vì, TANDTC đang xây dựng trụ sở mới có Quảng trường công lý, là nơi thể hiện sự tập trung tất cả các kiến trúc tiêu biểu bên trong quần thể trụ sở TANDTC.

Phải nói rằng, đây là một kiến trúc rất tiêu biểu, kiệt tác mà Pháp để lại đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia. Trong quá trình xây dựng chắc chắn sẽ có một không gian trang trọng và thường ở đó trưng bày biểu tượng, có thể là một Quốc huy, có thể là Trống đồng hay là nhân vật ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều hết sức bình thường.

Quá trình làm việc lãnh đạo TANDTC thống nhất thiết kế 01 bức tượng đặt ở sảnh chính của trụ sở, chưa đề cập đến sẽ xây dựng tất cả các trụ sở Tòa án hiện nay. Trụ sở bất cứ cơ quan nào cũng có thể làm được, không riêng Tòa án. Đương nhiên trong quá trình làm phải có người giám sát chặt chẽ về hai phương diện: chất lượng và ý nghĩa của sản phẩm sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Sự quan tâm, phản biện của xã hội là dấu hiệu đáng mừng, việc lắng nghe để quyết định đúng đắn là hết sức cần thiết; các ý kiến đưa ra sẽ góp phần vào việc khắc phục những hạn chế trong lựa chọn nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe dư luận và ý kiến phản biện để có quyết định đúng đắn là hết sức cần thiết