82,5% ý kiến lựa chọn Vua Lý Thái Tông là nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam

Bình Nguyên (thực hiện)| 28/04/2020 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết nội dung trên và cho rằng đây là lựa chọn thuyết phục, có cơ sở rất rõ ràng, được đa số đại biểu tham gia bình chọn đồng thuận bỏ phiếu.

PV: Là người từng tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm của TANDTC về việc chọn nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào về việc lựa chọn nhân vật Vua Lý Thái Tông?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Được biết, thiết kế xây dựng tượng nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử Việt Nam nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

82,5% ý kiến lựa chọn Vua Lý Thái Tông là nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam am 

Tòa án là biểu tượng công lý, lẽ phải, niềm tin của nhân dân nên việc tìm chọn nhân vật tiêu biểu rất quan trọng. Với tinh thần đó, cách đây mấy năm các cán bộ khoa học của TANDTC đã làm việc với các Trung tâm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đặt vấn đề tổ chức việc chọn lựa nhân vật sao cho đảm bảo khách quan, khoa học.

TANDTC từ rất sớm đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử với các thành phần bao gồm các lãnh đạo của TANDTC và các nhà khoa học của nhiều ngành khoa học khác nhau như lịch sử, văn hóa… Trên cơ sở đó, TANDTC đã thành lập Ban tổ chức, làm việc với nhiều cơ quan và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Tôi với tư cách là Phó Chủ tịch Hội phụ trách khoa học lịch sử Việt Nam được giao trách nhiệm cùng làm việc với TANDTC để tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi với chuyên gia, các nhà khoa học để chọn ra danh sách những nhân vật có thành công trong hoạt động xét xử; hay nói đúng hơn là những nhân vật đã có những kết quả tiêu biểu trong quá trình xử án.

Danh sách đưa ra hơn 25 người, nhưng sau đó chúng tôi đã trao đổi và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo nên hướng về các nhân vật thời kỳ quân chủ và lựa chọn nhân vật Vua Lý Thái Tông. Đây là thời kỳ tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tập quyền, không phân chia các nhánh quyền lực thành các nhánh như hiện nay…

PV: Qua hội thảo, tọa đàm đã chọn ra nhân vật Vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam, vậy việc lựa chọn này diễn ra như thế nào thưa ông?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Chúng tôi cho rằng, nước ta là nước có nền văn hiến lâu đời, bao trùm lên các lĩnh vực nhưng trong tổ chức, xây dựng nhà nước, pháp luật và bảo vệ công lý… việc lựa chọn gốc rễ làm biểu tưởng sẽ có giá trị sâu hơn. Quá trình tìm chọn nhân vật, chúng tôi đã cùng với TANDTC xây dựng những tiêu chí để lựa chọn gồm những tiêu chí chung, tiêu chí riêng về hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp…

Lý do mà tôi đề cập đến cả lập pháp, hành pháp, tư pháp là hiện nay rất nhiều người có quan niệm cho rằng, tìm nhân vật tiêu biểu của Tòa án chỉ nên tập trung vào các hoạt động xử án. Nhưng thời kỳ trung đại không thể tách rời, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau giữa hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp; Việc lựa chọn nhân vật lịch sử cũng phải đặt trên các giá trị chung đó.

Tại các cuộc hội thảo, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn Vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ,  công chức, viên chức trong hệ thống Tòa án nhân dân đối với các nhân vật lịch sử. Kết quả, 82,5% ý kiến đã lựa chọn Vua Lý Thái Tông.

Vậy nên, tôi cho rằng việc lựa chọn này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu là biểu tượng công lý của ngành Tòa án cũng như ý nguyện của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án.

PV: Hiện tại, nhiều ý kiến băn khoăn với việc lựa chọn nhân vật Vua Lý Thái Tông, vậy quan điểm của ông về nhân vật này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Qua sử sách ghi lại, Vua Lý Thái Tông có nhiều đóng góp to lớn với pháp luật nước nhà, trong đó có việc ban hành Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta.

Bộ luật Hình thư năm 1042 được xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Việc ban hành Bộ luật này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp nước ta. Trên cơ sở Bộ luật đó, Vua Lý Thái Tông đã đưa ra những quy định nhằm xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo xã hội công bằng, văn minh.

82,5% ý kiến lựa chọn Vua Lý Thái Tông là nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam

Hội thảo Khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam diễn ra ngày 16/11/2019 

Có thể nói, triều đại nhà Lý trường tồn trên 200 năm lịch sử, đưa đất nước vào giai đoạn cường thịnh có phần đóng góp to lớn của Bộ luật Hình thư, cai trị đất nước bằng pháp luật. Bộ luật chặt chẽ nhưng nhân đạo, Vua Lý Thái Tông xứng đáng là vị Vua anh minh, cả về võ công và văn trị, nhìn từ góc độ xét xử, ông là một nhân vật tiêu biểu cho tinh thần nghiêm minh kết hợp với nhân đạo, khoan dung.

Việc lựa chọn Vua Lý Thái Tông - Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và xây dựng tượng đặt tại Quảng trường công lý, nằm trong khuôn viên của trụ sở Tòa án nhân dân tối cao – nơi đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật, mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan Tòa án.

PV: Gần đây dư luận có ý kiến cho rằng, nhân vật như Vua Lý Thái Tông cần đặt ở vị trí xứng đáng hơn như tại Quốc hội chẳng hạn,…quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Nhìn nhận tổng thể thì đây là đề xuất lựa chọn của ngành Tòa án trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thấy rằng hoạt động tư pháp rất điển hình, toàn diện, nên đề xuất lựa chọn như vậy hoàn toàn chính xác. Hiện nay trên thế giới có gần 100 nước đã lựa chọn biểu tượng công lý, trong đó nhiều nước lựa chọn các vị vua làm biểu tượng công lý của Tòa án như: Thái Lan, Pháp,…

TANDTC hiện nay đang xây dựng trụ sở mới, tại sảnh đường khang trang nếu tạc bức tượng Vua Lý Thái Tông đặt trang trọng tại đây thể hiện ý nghĩa nhân văn và tầm vóc của cơ quan Tòa án. Biểu tượng công lý, công bằng phải được đặt ở vị trí xứng đáng.

Vua Lý Thái Tông có công rất lớn trong việc mở ra một thời đại huy hoàng của đất nước. Đó là thời kỳ văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt… với những công trạng rất đáng được ghi nhận, tôn vinh.

Qua nhiều kênh thông tin cũng có ý kiến cho rằng, thẩm quyền lựa chọn nhân vật tiêu biểu không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tôi cho rằng quan điểm như vậy là không đúng, Tòa án có quyền lựa chọn và xây dựng hình ảnh, biểu tượng cho ngành mình. Công lý là biểu trưng cho các giá trị sự thật, công bằng, trật tự, pháp luật, đạo đức và xã hội mà Tòa án hướng đến.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
82,5% ý kiến lựa chọn Vua Lý Thái Tông là nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam